Hiện nay một số người dân chưa có kiến thức sơ cứu ban đầu dẫn đến xử trí sai lầm, gây hậu quả nặng nề về sau cho bệnh nhân bị đột quỵ.
Trước đây đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình từ 55 trở lên. Người bệnh đang có xu hướng trẻ hơn trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 83.000 bệnh nhân trong độ tuổi 40 đến 45, chiếm 1/3 tổng trường hợp đột quỵ. Trên thực tế, nhiều bệnh viện tiếp nhận cấp cứu người bệnh khi mới 20 tuổi hoặc trẻ hơn.
Các loại đột quỵ não
Đột quỵ não chia thành hai loại: Nhồi máu não và xuất huyết não.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhập viện ngay lập tức. Nếu trì hoãn việc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng bất kỳ hình thức nào sẽ làm trì hoãn giờ vàng để bác sĩ có thể cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
Nhồi máu não là tình trạng tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông hay mảng xơ vữa, gây ra vùng hoại tử và thiếu máu não còn xuất huyết não là tình trạng vỡ mạch máu não gây chảy máu trong não. Đột quỵ 80% là nhồi máu não, 20% là xuất huyết não.
Nguyên nhân nhồi máu não chia làm năm nhóm theo phân loại TOAST: Tắc hẹp động mạch lớn; Tổn thương các động mạch nhỏ thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường; Nguyên nhân từ tim như rối loạn nhịp tim, bệnh hẹp hở van tim, suy tim... tạo cục máu đông đi đến não. Ngoài ra, nguyên nhân tạo cục máu đông khác còn do bệnh lý đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh của mạch máu...Có khoảng 1/4 trường hợp là không tìm thấy nguyên nhân.
Nguyên nhân xuất huyết não thường gặp nhất là xuất huyết não do tăng huyết áp, ngoài ra có thể do u não xuất huyết, dị dạng mạch máu, do thuốc kháng đông làm loãng máu.
Các loại đột quỵ não.
Các dấu hiệu cảnh báo
Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như: Nhức đầu, rối loạn ý thức... nhưng chúng ta chỉ cần nhớ ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 - 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T cụ thể:
Face - Liệt mặt: Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi, má mờ.
Arm - Yếu, liệt tay hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.
Speech - Rối loạn ngôn ngữ: Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ... như bình thường trước đó.
Time - Thời điểm phát bệnh: Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Hơn 90% bệnh nhân đều có yếu hoặc liệt nửa người. Như vậy nếu thấy một bệnh nhân đột ngột yếu nửa người hoặc méo miệng hoặc rối loạn ngôn ngữ cụ thể là lời nói không còn nghe rõ được... được xem là những triệu chứng đáng tin cậy để nghi ngờ đây là bệnh nhân đột quỵ, cần gọi ngay xe cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng những phương tiện phù hợp nhất. Không được trì hoãn sẽ làm mất “giờ vàng” để cấp cứu và điều trị hiệu quả.
Phòng ngừa tái phát đột quỵ
Điều trị các nguyên nhân gây ra đột quỵ: Các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu.
Ăn uống hợp lý: Giảm chất béo, giảm ăn mặn trong bệnh tăng huyết áp, giảm tinh bột, đường ở người bệnh đái tháo đường, ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia, tránh béo phì. Bệnh nhân đột quỵ cần tái khám định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhập viện ngay lập tức.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!