Vậy thì đừng quên những lưu ý dưới đây để bé yêu an toàn và khỏe mạnh vui xuân bên gia đình.
1. Thời gian phù hợp
Ngày 30 Tết là 1 ngày vô cùng đặc biệt và thiêng liêng. Bạn sẽ có nguyên 1 ngày dài để đưa trẻ đi chơi thay vì nhất định phải cho ra ngoài vào đúng lúc nửa đêm để đón năm mới cùng bố mẹ.
Với trẻ dưới 6 tuổi, thời gian phù hợp để đưa trẻ đi chơi chỉ nên nằm trong khoảng 6 - 10 giờ tối. Không nên cho trẻ đi chơi quá khuya vì các bé dễ bị cảm lạnh khi sương xuống. Đặc biệt, trẻ nhỏ đã quen với giờ đi ngủ cố định sẽ nhanh mệt và buồn ngủ khiến bố mẹ vất vả bế ẵm trên tay nơi đông người.
Hàng triệu người sẽ đổ ra đường để xem pháo hoa đêm giao thừa (Ảnh: Phụ nữ Online)
2. Địa điểm an toàn
Ngày xuân vui Tết nên sẽ có rất nhiều các khu vui chơi, giải trí và điểm tổ chức lễ hội để bạn đưa bé ghé thăm. Bạn có thể lựa chọn các địa điểm gần nơi ở của gia đình, đi lại thuận tiện và có thể nhanh chóng đưa trẻ về nhà khi cần thiết.
Không nhất thiết đưa trẻ đến các khu vực trung tâm xa xôi, quá đông đúc để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy khiến trẻ sợ hãi.
3. Tập trung hoàn toàn về trẻ
Nếu bạn đã quyết định đưa trẻ cùng đi chơi trong đêm giao thừa thì mọi ưu tiên cần được dành cho bé. Cha mẹ hoặc người hướng dẫn cần tập trung hoàn toàn trong việc theo dõi, bảo vệ để tránh trẻ bị lạc, xô đẩy. Luôn dắt tay hoặc bế trẻ khi đến nơi công cộng đông người.
Không nên cho trẻ đeo các loại trang sức đắt tiền hoặc quần áo quá nổi bật khiến kẻ gian lợi dụng làm hại trẻ.
4. Bảng tên cho trẻ
Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, trước khi đưa đến nơi công cộng gia đình cần hướng dẫn các thông tin hoặc cách thức để liên lạc với gia đình khi cần thiết.
Bạn nên chuẩn bị một bảng tên (kích cỡ như chiếc vé xe buýt) ghi rõ họ tên trẻ, họ tên bố mẹ, địa chỉ, số điện thoại của gia đình để đề phòng trường hợp xấu. Luôn nhắc trẻ đeo bảng tên trước ngực để mọi người đều có thể nhận biết.
Việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trẻ chơi đêm giao thừa là vô cùng cần thiết (Ảnh: Zing)
5. Giữ ấm cơ thể
Trong ngày cuối năm, đặc biệt là thời điểm đêm tối về khuya, bạn cần cho trẻ mặc ấm nhưng thoáng nhẹ vì bé sẽ hoạt động liên tục và đi lại nơi đông người. Lựa chọn các loại quần áo giữ nhiệt cotton, áo gió siêu nhẹ giúp trẻ ấm áp và thoải mái.
Cha mẹ cũng cần lưu ý nhắc nhở con đeo khẩu trang để đảm bảo vệ sinh và an toàn khi tiếp xúc nơi công cộng.
6. Đồ ăn vặt
Dựa vào kế hoạch du xuân trong buổi tối giao thừa, các mẹ nên chuẩn bị sẵn một số đồ ăn vặt mà trẻ yêu thích mang đi cùng. Đồ ăn sẽ giúp trẻ chống đói, đồng thời đảm bảo vệ sinh cho bé khi có quá nhiều hàng quán đường phố vừa đắt, vừa mất vệ sinh bày bán bên ngoài.
7. Các vật dụng tiện ích
- Áo mưa: Đêm giao thừa khó tránh khỏi những hạt mưa xuân xuất hiện bất chợt, bạn nên mang theo những chiếc áo mưa mỏng để trong túi xách hoặc giỏ xe để sử dụng cho bé và gia đình.
- Địu: Với trẻ đang tuổi bế ẵm, nên chuẩn bị sẵn địu đeo nhiều tư thế giúp bố mẹ 'giải phóng' đôi tay trong thời gian dài ở bên bé.
- Tấm trải: Gia đình hãy mang một tấm ni lông to để cả nhà cùng ngồi nghỉ và chờ đợi xem bắn pháo hoa. Các bé sẽ thoải mái trong không gian của riêng mình.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!