Lưu ý khi dùng thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn

Cần biết - 05/03/2024

Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, gây nhiều phiền toái cho người bệnh vì các cơn đau, nhức nhiều, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lao động. Khi bị đau dây thần kinh liên sườn, người bệnh cần lưu ý một số điểm trong dùng thuốc.

Đau dây thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý phổ biến hiện nay. Dây thần kinh liên sườn xuất phát từ đoạn tủy ngực (lưng) từ đốt sống D1 - D12. Sau khi tách khỏi rễ chung, dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch - thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn. Vì mối liên quan như vậy nên các bệnh lý của tủy sống, cột sống, xương sườn và thành ngực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn. Hơn nữa các dây thần kinh liên sườn cũng là các dây thần kinh nằm ở vị trí nông nên dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh.

Đau dây thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là các nguyên nhân như thoái hóa cột sống, lao cột sống, bệnh lý tủy sống (u...), do lạnh, vận động sai tư thế, viêm đa dây thần kinh, nhiễm độc, đái tháo đường hoặc ung thư cột sống. Một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm trùng, đặc biệt là do virut gây bệnh Zona.

Lưu ý khi dùng thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn

Cần lưu ý tới các tác dụng phụ khi dùng thuốc trị đau dây thần kinh liên sườn.

Người bị đau dây thần kinh liên sườn chỉ đau một bên (trái hoặc phải) đau từ trước ngực (xương ức) lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống. Người bệnh có thể cảm thấy đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi ấn, sờ vào. Cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh thường gây đau về đêm.

Một số thuốc được dùng trong tình trạng này:

Thuốc giảm đau paracetamol

Paracetamol (acetaminophen) có tác dụng chống viêm không đáng kể, nhưng lại có tác dụng giảm đau trong bệnh đau dây thần kinh liên sườn rất tốt. Đặc biệt paracetamol có kết hợp với codeine sẽ tăng hiệu quả giảm đau. Tuy nhiên, cần dùng đúng liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh dùng liều cao, dài ngày có thể gây tổn thương gan.

Các thuốc nhóm NSAID

Khi đau dây thần kinh liên sườn cần phải dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID). Những thuốc tiêu biểu của nhóm này như aspirin, ibuprofen, diclofenac, naproxen... đã được sử dụng điều trị giảm đau một cách rộng rãi từ lâu. Tuy nhiên nhóm thuốc NSAID có thể gây một số tác dụng phụ như hại dạ dày (đau, viêm, chảy máu...) hoặc làm xuất hiện cơn hen suyễn như aspirin, diclofenac, mobic... Nhóm thuốc không steroid loại COX1 hoặc COX2 (celecoxib, celebrex...) ít tác dụng phụ hơn. Do đó những bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn có tiền sử bệnh dạ dày tá tràng hoặc hen suyễn không được sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm NSAID (chống chỉ định).

Thuốc giảm đau thần kinh

Sau các thuốc giảm viêm, chống đau NSAID các thuốc giảm đau thần kinh thường được áp dụng trong chữa trị đau dây thần kinh liên sườn. Loại được sử dụng nhiều hơn cả là nhóm thuốc gabapentin. Thực ra, gabapentin được dùng chung với các thuốc khác để phòng ngừa và kiểm soát động kinh nhưng với bệnh đau dây thần kinh liên sườn gabapentin có tác dụng giảm đau khá hiệu quả, đặc biệt được sử dụng giảm đau thần kinh sau bệnh Zona ở người lớn. Ngoài ra, gabapentin còn có thể điều trị các tình trạng đau thần kinh khác (chẳng hạn như bệnh thần kinh đái tháo đường, bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau dây thần kinh sinh ba...). Gabapentin có các dạng như viên nang, viên nén, viên nén phóng thích kéo dài hoặc dung dịch uống...

Liều lượng sử dụng gabapentin tùy thuộc vào nhiều yếu tố, khi đau dây thần kinh liên sườn cần có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không tự mua thuốc để điều trị cho mình hoặc người nhà. Gabapentin có nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược, cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, nhức đầu, tức ngực, khô miệng, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp, ù tai... hoặc sốt, sưng hạch, phát ban, tức ngực khó thở. Người bệnh khi dùng thuốc nếu có tác dụng phụ hoặc thấy bất thường, cần gọi cho bác sĩ điều trị ngay.

Ngoài dùng thuốc, đau dây thần kinh liên sườn có thể kết hợp châm cứu, lý liệu pháp (chiếu đèn hồng ngoại...).

Để phòng bệnh, nên vận động cơ thể thường xuyên, có bài bản để khí huyết lưu thông tránh mắc bệnh xương khớp. Không mang vác quá sức, không vận động sai tư thế, tránh lạnh đột ngột, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn đủ chất, uống đủ lượng nước hàng ngày...) và bổ sung thêm vitamin nhóm B như B1, B6, B12.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!