Luyện tập cải thiện di chứng liệt sau đột quỵ não

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh nhân còn sống sau đột quỵ thường bị di chứng liệt nặng nề, giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động, khả năng tự phục vụ.

Việc tập luyện sớm có ý nghĩa lớn trong việc hạn chế di chứng liệt sau đột quỵ. Người liệt nửa người do đột quỵ não nếu không kiên trì tập luyện sẽ lệ thuộc vào tàn tật ngày càng nhiều và mức độ tàn tật  tăng lên.

1. Thời điểm bắt đầu luyện tập

Phải tiến hành luyện tập phục hồi chức năng sớm ngay từ khi đột quỵ não ổn định. Nghĩa là các triệu chứng tổn thương thần kinh không còn tiến triển nặng thêm, bệnh nhân tỉnh, không còn nguy cơ tử vong. Đồng thời phải áp dụng các biện pháp nhằm chống loét do tì đè ngay từ những ngày đầu mặc dù tiên lượng sống chưa rõ ràng.

2. Giai đoạn còn nằm trên giường bệnh

- Tăng cường vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng hàng ngày. Không để các vùng cơ thể bị ẩm ướt, nhất là vùng sinh dục hậu môn, lăn trở mình thường xuyên, tối thiểu 2 giờ/1 lần. Các vùng tì đè cần có đệm nước, đệm hơi, tránh để đệm cao su tiếp xúc trực tiếp với da bệnh nhân

- Vận động thụ động các chi liệt hết tầm vận động của khớp liên quan - xoa bóp mỗi ngày 1-2 lần thời gian kéo dài 20-30 phút, kết hợp vận động và xoa bóp cả bên lành.

Luyện tập cải thiện di chứng liệt sau đột quỵ não

Bệnh nhân sau đột quỵ cần sớm tập luyện để các cơ quan phục hồi chức năng (Ảnh minh họa: Internet)

- Bệnh nhân dùng bên lành vận động hỗ trợ bên liệt cử động, tập trở mình sang bên lành, tập trở mình sang bên liệt, tập ngồi dậy từ bên lành, tập ngồi dậy từ bên liệt…

- Tập ngồi giữ thăng bằng trên giường: Đây là giai đoạn quan trọng nhất vì có ngồi tự giữ thăng bằng được thì mới có thể đi lại được.

3. Giai đoạn thoát khỏi giường bệnh

- Tập đi trong hai thanh song song

- Tập đi sau xe lăn

- Tập đi có nạng, tập đi không có nạng.

- Tập các vận động khác khi đã chủ động đi lại, tự phục vụ mình được.

Luyện tập cải thiện di chứng liệt sau đột quỵ não

Người bệnh cũng cần chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ (Ảnh minh họa: Internet)

4. Vai trò của bệnh nhân

Vai trò của bệnh nhân là quan trọng nhất trong quá trình luyện tập phục hồi chức năng sau đột quỵ não. Người bệnh cần có ý chí quyết tâm và tính kiên trì, kết hợp với sự động viên tạo điều kiện của gia đình.

Các chuyên gia và kỹ thuật viên  phục hồi chức năng chỉ có vai trò hướng dẫn phổ biến một số kỹ thuật cần có trong phục hồi di chứng đột quỵ não như: Kỹ thuật tạo thuận ức chế mẫu co cứng, kỹ thuật tạo thích nghi với di chứng liệt… Khi đã có kết quả khả quan, người bệnh vẫn phải thường xuyên luyện tập nhằm duy trì và củng cố thành quả. Nếu bỏ tập các khiếm khuyết do liệt sẽ trở lại nhanh.

BS Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!