Ngày 27-3, Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn khuyến cáo các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP không sử dụng buổng khử khuẩn toàn thân.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sau khi nhận được ý kiến chuyên môn từ Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, Sở Y tế TP nhận thấy buồng khử khuẩn toàn thân chưa được chứng minh về hiệu quả diệt virus và sự an toàn đối với người sử dụng.
Thiếu các chứng cứ y học
Theo PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, các nhà sản xuất cho biết hệ thống buồng khử khuẩn toàn thân di động được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng sương phun toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể con người.
Thật ra, Anolyte (đôi khi còn gọi nhầm là nước ôzôn) đã được sử dụng rất lâu trong đời sống như một hóa chất khử khuẩn bề mặt môi trường, rất ít dùng trên con người.
Một người đang sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân. Ảnh: DT
'Anolyte được điện phân từ dung dịch nước muối loãng (thường NaCl 5%) để sinh ra một lượng NaClO với gốc accid ClO- có tính oxy hóa mạnh. Tác dụng khử khuẩn của Anolyte nhờ vào thành phần Clo hoạt tính. Trong y tế, Anolyte được sử dụng với mục đích khử khuẩn các dụng cụ, bề mặt buồng bệnh, phòng mổ, máy móc, vật dụng hàng ngày. Một số nghiên cứu ghi nhận Anolyte có thề sử dụng để điều trị một số vết thương ngoài da, niêm mạc. Tuy nhiên, khả năng điều trị bệnh của Anolyte chưa được khẳng định do thiếu các chứng cứ y học' – bà Anh Thư phân tích.
Chỉ nên dùng khử khuẩn các bề mặt thiết bị
Cũng theo bà Anh Thư, bất kỳ hóa chất khi sử dụng trên con người phải được chứng minh tính hiệu quả và an toàn. Vậy câu hỏi đặt ra, buồng khử khuẩn toàn thân di động sử dụng Anolyte dưới dạng phun sương có khử khuẩn được toàn cơ thể và có đem lại an toàn cho người sử dụng không?' - bà Anh Thư nêu quan điểm.
Trước tiên nói về tính hiệu quả, không thể kết luận Anolyte có diệt được virus SARS-CoV-2 hay không nhưng có thể tạm chấp nhận là có thể có. Điều này được rút ra từ các khảo sát trong thí nghiệm là Anolyte đã diệt được một số vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng tiếp theo cần đặt ra là liệu có an toàn cho người sử dụng?
Hóa chất được sử dụng dưới dạng phun sương, con người có thể hít các hạt sương đó khi bước vào buồng khử khuẩn. Hạt sương hóa chất càng nhỏ càng dễ đi vào phế nang phổi và có thể gây thương tổn nhu mô phổi. Hiện nhà sản xuất chưa cung cấp được ngưỡng an toàn để hít phải hạt sương chứa Clo hoạt tính là bao nhiêu.
'Những câu hỏi dưới đây vẫn chưa có lời giải đáp: 'Một người vào buồng 20 giây thì số lượng Clo khí dung hít vào là bao nhiêu?', 'Một người quá lo lắng về việc nhiễm COVID-19 và xem buồng khử khuẩn như một cứu cánh nên cố tình đi ra đi vào nhiều lần hoặc đứng thật lâu trong đó. Vậy thời gian bao lâu sẽ mắc bệnh do phơi nhiễm với hoá chất?'… Ngoài ra, tỉ lệ người bị dị ứng với Clo hoạt tính phun sương là bao nhiêu?' – bà Anh Thư đặt vấn đề.
Theo bà Anh Thư, việc ứng dụng hóa chất khử khuẩn dưới dạng phun sương để khử khuẩn bề măt môi trường đã được sử dụng nhiều năm nay trong các bệnh viện. Để đảm bảo an toàn, nhà sản xuất hướng dẫn khi sử dụng các hóa chất phun sương tuyệt đối không có người trong phòng. Hóa chất được phun từ máy tự động và sau khi kết thúc quá trình phun phải chờ ít nhất 2 giờ mới được cho người vào phòng.
'Theo quan điểm của tôi, buồng khử khuẩn di động chỉ nên dùng để khử khuẩn các bề mặt thiết bị, vật dụng (có thể thiết kế lại để khử khuẩn các vật dụng khó chùi rửa như xe đẩy, băng ca…). Một khi áp dụng khử khuẩn trên cơ thể người cần phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào sử dụng' – bà Anh Thư nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!