Chức năng của mắt là giúp cho chúng ta nhìn rõ được những vật xung quanh. Mắt bình thường (hay còn gọi là mắt chính thị, mắt không có tật khúc xạ) là mắt mà hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc, vật được nhìn rõ.
Nếu hình ảnh của vật không rơi đúng vào võng mạc do nguyên nhân nào đó khiến mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đi vào mắt thì gọi là mắt có tật khúc xạ.
Mắt loạn thị là mắt nhìn các vật không được rõ nét, kể cả nhìn xa và nhìn gần, các nét của vật thường nhòa vào nhau.
Nguyên nhân loạn thị do bán kính cong của giác mạc theo các kinh tuyến không đều nhau, khiến hình ảnh theo các phương hội tụ không trùng nhau trên võng mạc.
Nếu không phát hiện kịp thời các tật khúc xạ, đặc biệt là tật khúc xạ một mắt và một mắt bình thường thì dễ dẫn tới hiện tượng mắt bị nhược thị, thậm chí có thể bị suy giảm thị lực vĩnh viễn.
Ảnh minh họa
Mục tiêu của điều trị loạn thị là điều chỉnh độ cong không đồng đều gây mờ tầm nhìn. Điều trị bao gồm đeo kính để hiệu chỉnh và phẫu thuật khúc xạ.
Kính hiệu chỉnh khúc xạ bao gồm:
- Kính áp tròng: có thể hiệu chỉnh được cả loạn thị giác mạc và loạn thị thể thủy tinh. Hiện nay có nhiều loại kính áp tròng cứng, mềm, mở rộng, dùng dài ngày, dùng một lần...
- Kính đeo mắt.
Phẫu thuật khúc xạ: là phương pháp chữa loạn thị bằng cách tái tạo lại hình dáng bề mặt của giác mạc mắt. Phương pháp phẫu thuật khúc xạ phổ biến hiện nay là LASIK, Photorefractive keratectomy (PRK).
Nếu bị bệnh loạn thị một bên mắt, bệnh nhân cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là trong việc đeo kính phù hợp với bệnh lý của mắt. Bởi khi đã mắc tật khúc xạ, dù chỉ 1-2 đi-ốp, nếu không đeo kính, thị lực cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Trẻ em được chẩn đoán loạn thị thì cần đeo kính thường xuyên để tránh dẫn đến nhược thị.
Loạn thị thường không giảm theo tuổi. Để điều chỉnh tật khúc xạ, hiện nay bệnh nhân không chỉ có duy nhất một biện pháp đeo kính gọng mà tùy theo tuổi, giới, nghề nghiệp... của mỗi người, bác sĩ có thể tư vấn biện pháp điều trị thích hợp.
Phẫu thuật chỉ đặt ra khi người bệnh trên 18 tuổi, độ khúc xạ ổn định ít nhất 6 tháng, có thể hợp tác tốt trong khi phẫu thuật, không mắc các bệnh lý làm tác động đến thị lực.
Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý đến chế độ vệ sinh mắt, giảm thời lượng nhìn gần, nhìn dưới ánh sáng nhân tạo, không sử dụng thường xuyên các thiết bị công nghệ hiện đại... để tránh cho mắt phải điều tiết nhiều, liên tục; tăng thêm thời gian hoạt động thể thao. Cứ mỗi 45 - 60 phút học, xem tivi… cần được nghỉ ngơi, nhìn ra xa khoảng 10-15 phút.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!