Ðể hoạt động bình thường, con người luôn luôn phải đủ lượng magiê cần thiết, nếu thiếu phải được bù.
Vai trò của magiê đối với cơ thể
Magiê là một trong những khoáng chất quan trọng đối với con người, tham gia vào khoảng 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Khoảng 50-75% lượng magiê trong cơ thể tập trung ở xương (magiê kết hợp với canxi và phốt pho trong quá trình tạo xương), đa phần còn lại phân bố ở cơ bắp, các tổ chức mô mềm và một lượng rất nhỏ trong máu.
Magiê là một thành phần quan trọng trong hoạt động chức năng của tim, có tác dụng làm giảm nhu cầu về ôxy của cơ tim trong lúc nghỉ cũng như trong lao động, tập luyện, giúp tăng cường chức năng của tim và phòng ngừa các bệnh tim. Magiê còn có tác dụng điều hòa hàm lượng đường trong máu và góp phần làm ổn định huyết áp. Vai trò của magiê cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo glycogen của cơ và gan từ glucoza máu và tham gia vào cấu trúc các tổ chức mô, trong đó có xương.
Ngoài ra, nó còn tham gia vào thành phần của nhiều loại enzym điều hòa các chức năng khác nhau của cơ thể, điều hòa nhu động ruột và tham gia vào sự phân hủy glucoza, acid béo và các acid amin trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Magiê cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp lipid và protein giúp quá trình tạo xương và các mô khác, bảo đảm tính bền vững dẫn truyền thần kinh và sự co cơ.
Magiê kích thích hệ miễn dịch bảo vệ các cơ quan, giúp tế bào chống lại những tác động xấu từ bên ngoài và ngăn cản sự xâm nhập của các kim loại nặng từ khí thải công nghiệp, khói xe ôtô, xe máy và các động cơ dùng xăng dầu.
Nhu cầu magiê cho một người trưởng thành trong một ngày khoảng từ 350 - 400mg/ngày. Những người lao động thể lực nặng nhọc, vận động viên thể thao cần nhiều hơn 1,5 - 2 lần. Trẻ em cần ít hơn (6 tháng tuổi: 30mg; 1 - 3 tuổi: 80mg; 9-13 tuổi: 240mg...).
Những thực phẩm giàu magiê.
Hệ lụy khi cơ thể thiếu magiê
Magiê rất dễ bị thất thoát với các nguyên nhân khác nhau. Có đến 99% lượng magiê bị thất thoát sau khi trải qua quá trình tinh chế của công nghệ thực phẩm hoặc các loại thức ăn nhiều mỡ, đồ ngọt, bột mỳ trắng và nước uống có cồn tỷ lệ magiê thấp.
Có một con số khiến mọi người giật mình đó là người Việt đang thiếu từ 30 - 50% khoáng chất magiê. Cơ thể con người có thể thiếu magiê giống như thiếu một số thành phần khác (sắt, vitamin B6...). Tình trạng cơ thể bị thiếu magiê trong cộng đồng cũng trầm trọng như tình trạng thiếu sắt, đặc biệt là ở người có tuổi do ăn ít, do giảm khả năng hấp thụ magiê của ruột, do tăng bài tiết magiê qua thận và sử dụng một số thuốc trong chữa bệnh. Các nhà khoa học mới phát hiện thêm một yếu tố rất quan trọng làm bùng nổ “hội chứng cáu bẳn” của chị em trước ngày hành kinh, đó là khủng hoảng thiếu magiê.
Sự rối loạn điện giải do mất cân bằng magiê (magnesium) và các thành phần khác (kali, natri...) sẽ có tác động xấu đến hoạt động tim mạch, gây nên các bệnh tăng huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột quỵ. Thiếu magiê trong cơ thể ngay cả khi thiếu ở mức độ không nhiều cũng có thể là nguyên nhân mắc các chứng bệnh đau đầu, co cứng cơ, rối loạn các hoạt động cơ, stress, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt (phụ nữ), “gây hội chứng cáu bẳn” trong những ngày đèn đỏ hoặc gây táo bón.
Bổ sung magiê thế nào?
Khi thiếu magiê có thể dùng gạo, lúa mì, yến mạch là những thực phẩm giàu magiê hàng đầu, trong đó gạo thô rất dễ tìm kiếm. Cứ 100g gạo thô chứa 781mg magiê (chiếm 195% lượng magiê cơ thể bạn cần mỗi ngày). Bên cạnh đó, bí đao, hạt dưa hấu ở nước ta cũng khá dễ tìm kiếm, cứ 100g hạt bí ngô (bí đỏ) có lượng magiê là 535mg, còn 100g hạt dưa hấu chứa 515mg. Vì vậy, đừng quên bổ sung các loại thực phẩm vừa ngon vừa hữu ích này. Hạt hướng dương không chỉ xếp hàng đầu về hàm lượng vitamin E mà còn chứa lượng magiê khá cao (cứ 100g hạt hướng dương cung cấp 325mg magiê, chiếm 81% lượng magiê).
Ngoài ra, rau xanh không chỉ cung cấp lượng vitamin tuyệt vời mà cả lượng khoáng chất magiê đáng kể. Ăn sống hay chế biến các loại rau này đều giúp cơ thể hấp thụ được dưỡng chất. Ngoài ra phải kể đến rau cải xanh, cải xoăn, lá củ cải, cần tây, bông cải xanh, dưa chuột, atiso, đậu nành... đều có hàm lượng magiê rất tốt cho cơ thể, vì vậy cần tận dụng hàng ngày. Trong trường hợp muốn bổ sung magiê bằng dược phẩm (thuốc) cần phải có chỉ định của bác sĩ, không tự động mua thuốc để sử dụng. Người cao tuổi nên lưu ý rằng nếu dùng nhiều magiê bằng dược phẩm sẽ làm tăng magiê máu gây buồn nôn, nôn, thậm chí dẫn đến tử vong.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!