Mầm đậu nành gây ung thư: Chỉ là tin đồn nhảm!

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định thông tin đậu nành gây ung thư không có sở cứ khoa học.

Giáo sư Jane Plant - sau 27 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, cuối cùng, nhà khoa học hàng đầu ở Anh này đã chiến thắng nó nhờ thay đổi chế độ ăn uống. Bà đã viết một cuốn sách đưa ra 10 bước để giảm nguy cơ ung thư cũng như chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác này. Trong 10 nhóm thực phẩm mà Giáo sư Jane Plant khuyên người dùng nên sử dụng để 'đánh bại' ung thư có tên của một món ăn rất quen thuộc của người Việt, đó là đậu phụ.

Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều chị em phụ nữ Việt lại tỏ ra khá hoang mang bởi một số thông tin tiêu cực về hiểm họa của đậu nành, trong đó có chỉ ra rằng: phytoestrogen có trong đậu nành rất nguy hiểm, có thể phá vỡ chức năng nội tiết, gây vô sinh và thúc đẩy ung thư vú ở phụ nữ.

Chị em phụ nữ không nên quá hoang mang

Đi tìm câu trả lời chính xác nhất cho những băn khoăn, lo lắng này của người dùng, phóng viên đã tìm đến BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa dinh dưỡng lâm sàn và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. BS Hưng nêu quan điểm: 'Tôi nghĩ cần định hướng lại cho dân là nên sử dụng đậu nành. Mầm đậu nành (mầm đậu tương) rất giàu estrogen - đó là nguồn nội tiết tố nội sinh rất tốt cho phụ nữ, hỗ trợ chị em nhất là trong giai đoạn tiền mãn kinh'.

Theo BS Hưng: 'Để đánh giá các tác hại hay nguy cơ của mầm đậu nành phải nghiên cứu kỹ lưỡng liều lượng mới biết được, chứ không thể nói khơi khơi. Bởi nếu nói chung chung thì không chính xác và không có kiểm chứng khoa học'.

BS Hưng đưa ra ví dụ: 'Cũng giống như ngày nào chúng ta cũng ăn cơm, ăn chỉ 2 bát là vừa đủ nhưng nếu ăn 4 bát thì sẽ no, gây tức bụng, đó là tác dụng phụ. Hoặc nếu ăn 1 bát thì sẽ suy dinh dưỡng'.

Hơn nữa, BS Hưng cũng cho rằng: Các chế phẩm từ mầm đậu nành hay đậu nành khi đưa ra thị trường sử dụng đều đã được các cơ quan chức năng kiểm duyệt kỹ càng về chất lượng rồi, vì vậy, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.

Trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chia sẻ: Không có cơ sở khoa học để khẳng định đậu nành gây ung thư.

Mầm đậu nành gây ung thư: Chỉ là tin đồn nhảm!

Không có cơ sở khoa học để khẳng định đậu nành gây ung thư (Ảnh minh họa: Internet)

Theo bà Lâm: Mầm đậu nành làm tăng nồng độ chất Isoflavon hay còn gọi là nội tiết tố nữ thực vật. Các nghiên cứu trên thế giới đã khuyến nghị, mỗi ngày, các chị em (ngay cả phụ nữ mang thai) cần hấp thu khoảng 45 mg Isoflavon. Bạn có thể bổ sung Isoflavon từ  việc ăn đậu phụ, uống sữa đậu nành, bột đậu tương hoặc uống các chế phẩm từ tinh chất mầm đậu nành.

'Mỗi một viên thuốc trong các chế phẩm từ tinh chất mầm đậu nành chỉ chứa nồng độ khoảng 40 - 60mg Isoflavon/viên , nên liều lượng này trong khuyến nghị cho phép. Chị em phụ nữ không nên quá lo lắng' - PGS.TS Lâm nói.

Mầm đậu nành gây ung thư: Chỉ là tin đồn nhảm!

Không riêng gì các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều chuyên gia tư vấn sức khỏe, sinh sản của Việt Nam cũng khẳng định: Tinh chất mầm đậu nành không phải là yếu tố thúc đẩy ung thư cũng như không nguy hại tới sức khỏe người dùng.

BS. Nguyễn Đức Thắng (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền) nhận xét: Mầm đậu nành là sản phẩm thiết yếu sử dụng hàng ngày và cũng là một trong những thực phẩm dùng thường xuyên trong cuộc sống sinh hoạt của người dân.

BS. Thắng nhấn mạnh: Trong tất cả các nghiên cứu khoa học, mầm đậu nành, đậu giá hay các sản phẩm mầm của một số loại đậu đều được chứng minh có nhiều tác dụng tốt. Các nhà chuyên môn đều khuyến khích: Một tuần nên dùng ít nhất là 2 bữa.

'Các thông tin như phytoestrogen có trong đậu nành nguy hiểm, phá vỡ chức năng nội tiết, gây vô sinh hay ung thư vú không có sở cứ khoa học cũng như các bằng chứng chứng minh. Có thể các thông tin đó chỉ dựa vào khả năng truyền miệng của dư luận. Khoa học thì phải dựa vào những cơ sở chứng minh cụ thể, rõ ràng hoặc phải có các nghiên cứu khoa học của các tổ chức y tế thế giới uy tín chứng minh' - BS.Thắng bày tỏ.

Thay vì hoài nghi hay lo lắng, bác sĩ khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền này khuyên: Phụ nữ hoàn toàn có thể yên tâm về tác dụng của mầm đậu nành.

'Chỉ những người đang có tiến triển bệnh ung thư thì cần có chế độ dinh dưỡng riêng, trong đó, hạn chế đưa mầm đậu nành vào cơ thể, mà những người này thường được chữa trị và có chế độ riêng theo lời khuyên của bác sĩ rồi' - BS.Thắng nói.

Còn với GS.TS. Thầy thuốc nhân dân, từng là Chủ tịch Hội sản phụ khoa Việt Nam (xin phép được giấu tên), những thông tin cho rằng 'mầm đậu nành thúc đẩy ung thư' là những thông tin không chính xác, thậm chí, GS.TS này còn gọi: Đó là 'tin rác'.

Bởi cả thế giới đã thống nhất thừa nhận: Isoflavon có trong tinh chất mầm đậu nành (hay còn gọi là Phytoestrogen) là thảo dược mà estrogen nồng độ chỉ bằng 1/1000 hàm lượng estrogen buồng trứng của phụ nữ. Chính vì vậy, dù bổ sung tinh chất mầm đậu nành, tức dung nạp thêm nhiều estrogen thì 'chỉ có lợi, tốt thôi', 'có người ăn hàng cân đậu phụ mỗi ngày mà chưa ăn thua gì huống hồ liều dùng chỉ bằng 1/1000' - Vị GS.TS trên nói.

Chuyên gia về sản phụ khoa này cũng khuyên nhủ: 'Những ai hoang mang về tác dụng của tinh chất mầm đậu nành, có thể trực tiếp đi khám ở bệnh viện phụ sản trung ương để lắng nghe những ý kiến đánh giá của chuyên gia, giáo sư đầu ngành về nội tiết, đặc biệt là nội tiết sinh sản, sinh dục nữ, chứ 'không nên nghe theo những tin đồn như thế!'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!