Mẹ bầu có nên ăn bánh chưng, hành muối?

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Ăn uống nhiều và không cân bằng là thói quen của rất nhiều người trong dịp Tết nhưng với bà bầu thì điều này khá nguy hiểm.

Ngày tết bà bầu cần phải chú ý đến ăn uống

Chị Lê Thúy (ở Mỹ Đình – Từ Liêm) đang mang bầu đứa con thứ hai, rút kinh nghiệm từ lần mang bầu lần trước, chị về quê chồng trong Hà Tĩnh, do ở vùng quê nên thực phẩm khó khăn hơn thành thị, nhà nào cũng tích trữ giò chả, ngày nào cũng ăn nên chị bị đầy bụng vì trong giò chả có rất nhiều phụ gia thực phẩm. Rút kinh nghiệm, dịp Tết này chị đã chuẩn bị một ít thực phẩm cho chuyến về quê chồng ăn Tết an toàn.

Còn chị Phương Mai (ở Thịnh Liệt – Hoàng Mai), nhà chồng ở thành phố nên chị chẳng phải đi đâu, nhưng do sở thích ăn đồ ngọt nên chị tăng cân vù vù và bị bụng đầy, khó tiêu. Mùng 3 Tết chị gọi bác sĩ cầu cứu, cả gia đình được phen hoảng loạn.

Với chị Hằng Hải (đường Lê Hoàn – TP Thanh Hóa). Cứ mùng 5 Tết là gia đình chị tổ chức ăn lẩu. Trong thời gian mang bầu chị không bị nghén nên món gì chị cũng có thể ăn được. Do ăn đồ chưa chín kỹ, nước lẩu lại có rất nhiều chất cay nên chị bị 'tào tháo đuổi', ngẫm lại đúng là 'sướng cái miệng, khổ cái thân'.

Mẹ bầu có nên ăn bánh chưng, hành muối?

Hành muối chống chỉ định với những bà bầu bị dạ dày

Phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở bà bầu

Theo bác sĩ sản Cao Phương Thảo (Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội), việc ăn uống trong những ngày nghỉ Tết là vô cùng quan trọng, bà bầu cần ăn đầy đủ chất và điều độ, đặc biệt không được bỏ bữa, phải xác định ăn uống như ngày bình thường, không ăn quá nhiều, không ăn quá ít. Thai phụ nên đảm đầy đủ chất dinh dưỡng và chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều lần trong này. Ngày Tết thường có rất nhiều món tẩm ướp mặn, các bà bầu không nên ăn nhiều vì các đồ mặn thường làm tăng huyết áp khi mang thai.

Ngoài ra, bác sĩ Thảo còn cho biết thêm, ngày Tết nhà nào cũng có món bánh chưng và dưa hành. Bánh chưng làm bằng bột gạo nếp và thịt mỡ nếu ăn nhiều sẽ rất đầy bụng và khó tiêu. Vì vậy các bà bầu chỉ nên ăn nhẹ với món bánh này.

Đối với những bà bầu có tiền sử bị các bệnh viêm loét đại tràng hay dạ dày, hệ tiêu hóa không tốt, khi mang thai tốt nhất không ăn hành muối. Dưa hành khi muối lên men chứa nhiều chất chua, khi ăn khiến dạ dạy tiết dịch vị sẽ làm đau dạ dày.

Mẹ bầu có nên ăn bánh chưng, hành muối?

Bánh tét/bánh chưng rất ngấy nên bà bầu nên ăn vừa phải

Bánh mứt, ô mai, các loại mít sấy khô… bà bầu vẫn có thể ăn, nhưng chỉ nên dùng để nhâm nhi trong lúc trò chuyện tiếp khách, không nên ăn quá đà vì thực phẩm trên tuy được làm từ trái cây hoặc củ nhưng đã mất hết vitamin, hết chất dinh dưỡng. Do vậy, cũng giống như bánh kẹo ngọt hoặc nước ngọt, thành phần chủ yếu là đường. Hơn nữa, đường cung cấp nhiều chất ngọt sẽ gây tăng đường huyết, không có lợi cho sức khỏe của cả hai mẹ con. Nếu ăn quá nhiều dẫn đến tiêu chảy.

Một lưu ý nữa trong việc ăn uống khi mang thai là cần ăn chín, uống sôi, tránh những đồ ăn tái, rau sống và rau quả chưa được ngâm rửa sạch để tránh bị ngộ độc và nhiễm giun sán.

Các bà bầu cần ăn uống thêm nhiều hoa quả để cung cấp vitamin, các chất xơ, việc uống đủ nước trong thời gian mang thai là rất quan trọng. Bà bầu cần uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày để tránh thiếu nước, giảm mệt mỏi và tránh nguy cơ mắc táo bón dịp Tết. Nếu khi thấy vấn đề rối loạn tiêu hóa trở nên trầm trọng các chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

>>Xem thêm: Hỏi - đáp về mang thai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!