Mẹ bầu mắc tay chân miệng khi mang thai có khiến thai nhi bị dị tật?

Làm mẹ - 03/29/2024

Dịch tay chân miệng đang bùng phát trên diện rộng, bệnh dễ lây lan ở trẻ nhỏ nhưng người lớn không nên chủ quan vì vẫn có nguy cơ mắc. Và đáng ngại hơn cả là có cả những bà bầu cũng không nằm ngoài 'vùng phủ sóng' của dịch bệnh này.

Mẹ bầu lo lắng dễ bị lây bệnh tay chân miệng

Đang mang thai tuần thứ 10, chị Nguyễn Thị Thu Hương (Cầu Diễn, Hà Nội) rất lo lắng vì có thể lây bệnh tay chân miệng. Theo chị Hương, chị làm nghề giáo viên mầm non, thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ. Khoảng 5 ngày gần đây, lớp chị Hương dạy đã có 3 bé bị tay chân miệng và phải nghỉ học. Do đang mang thai ở 3 tháng đầu thai kỳ, chị Hương sợ rằng nếu không may mắc tay chân miệng liệu có khiến cho con bị dị tật hay không? Vì vậy, thời gian này chị Hương đã phải xin nghỉ dạy không lương để ở nhà tránh dịch tay chân miệng.

Cùng hoàn cảnh với chị Hương đó là trường hợp của chị Đỗ Kiều Trang (Bình Dương). Từ khi đọc được thông tin virus gây bệnh tay chân miệng là loại dễ gây ra biến chứng, chị Trang rất sợ vì chị đang mang thai 14 tuần, nếu không may mắc có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Mẹ bầu mắc tay chân miệng khi mang thai có khiến thai nhi bị dị tật?

Nhiều bà bầu hoang mang trước thông tin mắc bệnh tay chân miệng khi mang thai sẽ gây dị tật thai nhi (Ảnh minh họa).

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, cho hay: 'Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch.

Bệnh có thể lây sang người lớn khi tiếp xúc với trẻ vì trước đây trong các mùa dịch đã ghi nhận trường hợp người lớn bị lây bệnh. Tuy nhiên, đa phần người lớn bị bệnh đều diễn biến nhẹ, không có biến chứng nguy hiểm. Bệnh khỏi nhanh sau một vài ngày điều trị'.

Virus tay chân miệng có gây ra dị tật cho thai nhi?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh virus tay chân miệng có thể lây từ mẹ sang con. Và cũng chưa có minh chứng virus tay chân miệng sẽ gây ra hiện tượng dị tật trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Phụ nữ đang mang thai có cơ địa khá đặc biệt, vì vậy, dịch tay chân miệng đang bùng phát cũng nên chủ động phòng tránh lây nhiễm. Trong trường hợp già đình có bé bị mắc bệnh, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc.

'Do virus tay chân miệng lây qua tiêu hóa (ăn uống), vì vậy, bà bầu cần phải thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay sạch dưới vòi nước. Nếu phụ nữ mang thai phải thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, có thể phòng tránh lây bệnh bằng cách đeo găng tay khi cho trẻ ăn và đi vệ sinh. Sau đó, rửa tay lại với xà phòng sát khuẩn', PGS.TS Kính nói.

Mẹ bầu mắc tay chân miệng khi mang thai có khiến thai nhi bị dị tật?

Cần lưu ý tới các dấu hiệu để phát hiện ra bệnh chân tay miệng sớm như sốt và tổn thương ở da mọc mụn phổng nước ở các vị trí đặc biệt (Ảnh minh họa).

Bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây ra nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị hiện nay chủ yếu làm giảm các triệu chứng của bệnh. Người lớn nói chung, bà bầu nói riêng nếu bị bệnh nên sát trùng niêm mạc miệng như dùng nước muối 0,9%, Kamistad… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo thêm, tay chân miệng dễ mắc và có thể gây ra biến chứng đặc biệt ở trẻ nhỏ. Ở trẻ nhỏ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

Cần lưu ý tới các dấu hiệu để phát hiện ra bệnh chân tay miệng sớm như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da mọc mụn phổng nước ở các vị trí đặc biệt (họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Ở giai đoạn trẻ mới mắc bệnh cha mẹ cần phải rất tinh ý mới phát hiện được ra bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!