Ngày 26/3, cô Lý Băng Thiến - đội trưởng nhân viên xe lửa, phụ trách nhiệm vụ trên đoàn tàu có số hiệu G1928. Khi cô Lý Băng Thiến đi tuần tra như thường lệ, bất ngờ một phụ nữ bế bé trai 2 tuổi chạy đến trước mặt cô, khóc lóc kêu gọi sự giúp đỡ.
Cô Lý Băng Thiến cho biết: 'Mẹ của bé trai liên tục bảo rằng, con trai của cô ấy co giật liên hồi và khẩn thiết nhờ tôi giúp đỡ'.
Cô Lý Băng Thiến có con trai khoảng 5 tuổi, nên cô hiểu nỗi lòng của người mẹ. Cô lập tức bảo người phụ nữ đặt bé trai nằm xuống hành lang của toa xe lửa, và thực hiện biện pháp sơ cứu.
Cô Lý Băng Thiến chia sẻ: 'Tôi vừa thực hiện biện pháp sơ cứu, vừa liên lạc qua bộ đàm tìm bác sĩ hỗ trợ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gấp gáp, chúng tôi không thể tìm được bác sĩ. Tôi và nhân viên xe lửa liên tục xoa dịu người mẹ và tìm cách hạ nhiệt cho bé. Tôi cởi tất của bé ra, khi đó chân của bé đã cong như một cây cung'.
Nhìn bé trai trong trạng thái co giật, cô Lý Băng Thiến liên tục gọi tên bé để đảm bảo bé duy trì trạng thái tỉnh táo. Đồng thời, cô nghĩ cách giúp giảm thiểu đau đớn cho bé.
Cô Lý Băng Thiến cho biết: 'Trong trạng thái co giật, miệng của bé luôn mím chặt. Những hành khách xung quanh bảo với tôi rằng, nên cho bé ngậm muỗng hoặc đũa, nhưng tôi phản đối. Bởi đưa vật cứng vào miệng người đang co giật có thể gây tổn thương răng, chấn thương cơ hàm. Không còn cách nào, tôi đành đưa ngón tay vào miệng bé. Chẳng ngờ bé trai 2 tuổi trong tình trạng hôn mê nhưng có lực cắn rất đau'.
Sau 20 phút cấp cứu, tình trạng co giật của bé trai đã thuyên giảm. Khi đoàn tàu đến ga đường sắt Bắc Đan Dương, bé trai đã được chuyển vào bệnh viện địa phương điều trị.
Trường hợp trẻ đột nhiên sốt cao và lên cơn co giật, trước tiên bố mẹ cần đặt trẻ nằm thẳng hoặc nằm nghiêng một bên. Đảm bảo đường hô hấp của trẻ thông thuận, khoang mũi và miệng không có dịch đờm nhằm tránh trường hợp trẻ ngạt thở. Đồng thời, dùng khăn lạnh lau khắp cơ thể hoặc dùng túi đá chườm lạnh để hạ nhiệt cho trẻ.
Khi trẻ ngất xỉu hơn 5 phút, cần nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất. Nếu trẻ thường xuyên sốt cao và lên cơn co giật, bố mẹ nên dự phòng mang theo thuốc hạ sốt và thuốc chống co giật, nhưng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi cho trẻ sử dụng thuốc.
Sốt co giật ở trẻ là cơn co giật ở trẻ nhũ nhi hay trẻ nhỏ, thường xảy ra từ 3 tháng đến 5 tuổi. Sốt co giật không phải là một hiện tượng hiếm gặp ở trẻ. Mức độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây co giật. Đối với sốt co giật lành tính sốt co giật ở trẻ thường tự giới hạn (thường cơn khoảng 2 – 5 phút), không để lại di chứng lâu dài
Sau 5 tuổi, sốt co giật ở trẻ sẽ tự hết. Tuy nhiên, co giật đi kèm với sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm não... Vì vậy, khi trẻ co giật có sốt cần được đưa tới các cơ sở uy tín để thăm khám kỹ lưỡng.
Theo Kankanews
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!