Mẹ thấp bé, con dễ còi cọc

Làm mẹ - 05/11/2024

Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai bị suy dinh dưỡng trường diễn, thiếu các vi chất dinh dưỡng khi mang thai dễ có nguy cơ bị đẻ non, sẩy thai, dị tật ống thần kinh.

Vòng xoắn của suy dinh dưỡng

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, các tác giả đã đưa ra chu trình vòng xoắn của suy dinh dưỡng: Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ trước khi mang thai có tình trạng dinh dưỡng kém (thấp bé, nhẹ cân hay SDD trường diễn) sẽ có nguy cơ sinh ra trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g - gọi là SDD bào thai); Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp ảnh hưởng trước mắt là chậm phát triển thể lực (chiều cao, cân nặng), phát triển não bộ kém, ảnh hưởng lập trình chuyển hóa của glucoza, lipid, protein hormon/gene...

Ảnh hưởng về lâu dài tới khả năng nhận thức và học tập kém, khả năng miễn dịch và lao động kém, dễ bị mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, ung thư... đồng thời trẻ có nguy cơ cao trở thành những trẻ vị thành niên bị còi cọc; những nữ vị thành niên bị SDD (nhẹ cân và thấp còi) và không có khả năng đuổi kịp tốc độ phát triển so với các bạn cùng trang lứa mà không bị SDD; những nữ vị thành niên SDD sẽ có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ thấp bé nhẹ cân và hậu quả là khi mang thai sẽ sinh ra những trẻ bị SDD bào thai (có cân nặng sơ sinh thấp); những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g) lại có nguy cơ bị SDD cao hơn; do vậy, đó là cái vòng xoắn luẩn quẩn của SDD.

Ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ nhỏ

Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai bị SDD trường diễn, thiếu các vi chất dinh dưỡng khi mang thai dễ có nguy cơ bị đẻ non, sẩy thai, dị tật ống thần kinh,... Trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g) hay gọi là SDD bào thai. Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp, thường bị thiếu các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, kẽm) dẫn đến dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ của trẻ khi trưởng thành (trẻ bị thấp bé nhẹ cân khi trưởng thành).

Mẹ thấp bé, con dễ còi cọc

Vòng xoắn của suy dinh dưỡng.

Phụ nữ cần làm gì để đạt cân nặng nên có?

Người phụ nữ tuổi sinh đẻ bị SDD trường diễn muốn tăng cân để đạt được mức cân nặng ở “mức nên có” khi 18,5 ≤ BMI ≤ 22,9 thì trước hết cần ăn thêm cơm hay các thức ăn chứa nhiều tinh bột như xôi, miến, bánh mì... và các món xào, rán có thêm dầu mỡ để cung cấp năng lượng.

Để tăng số lượng thức ăn hàng ngày, ngoài 3 bữa chính cần ăn thêm các bữa phụ như sữa, bánh ngọt, khoai củ... Nên ăn thêm đều đặn mỗi ngày một hộp sữa chua (120ml) giúp kích thích tiêu hóa, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, kết hợp các hoạt động thể lực vừa phải, hợp lý giúp ăn ngon miệng. Uống đủ nước (nước rau, nước hoa quả hoặc nước đun sôi để nguội).

Như vậy, để tăng cân với người có cân nặng thấp hay bị gầy/SDD trường diễn thì cần ăn thêm tinh bột, chất béo và tăng lượng thức ăn hàng ngày, tuy nhiên lượng tăng cũng không nên quá nhiều làm cơ thể khó tiêu hóa, hấp thu hết dẫn đến đầy bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc chuyển sang xu hướng thừa cân/béo phì. Ngoài ra cần có chế độ lao động hợp lý, không nên làm việc căng thẳng quá sức, nên dành thời gian nghỉ ngơi thoải mái và ngủ đầy đủ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!