Mẹo để trẻ sơ sinh không bị méo đầu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Méo đầu là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân thường do gia đình đặt trẻ nằm sai tư thế. Vậy, cha mẹ cần làm gì để bé không bị méo đầu?

Vì sao con bị méo đầu, móp đầu?

Từ khi mới sinh, đa số các bé đều có đầu tròn trịa, tuy nhiên chỉ sau 2-3 tháng 'về nhà' cùng mẹ, nhiều người đã thấy bé bị móp đầu. Dáng đầu của bé dẹt, méo mó theo dạng thon dài hoặc dẹt ngang, méo bên trái hoặc bên phải. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, hoặc xoa nhẹ đầu bé người ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự biến dạng vùng đầu của bé. Các trẻ méo đầu thường có phần tai đưa nhiều về phía trước hoặc một bên đầu phình to hơn, một bên dẹp đi, phần trán hơi mất cân đối.

Đa số trẻ sơ sinh bị móp/méo đầu đều do tư thế nằm sai gây ra. Không ít bà mẹ e ngại, bế con nhiều sẽ làm con bám hơi mẹ, lúc nào cũng quấn mẹ khiến mẹ không làm được việc gì khác. Bé lại ngoan, có thể tự nằm chơi nên mẹ đặt con nằm một chỗ liên tục. Chính việc trẻ nằm nghiêng, nằm thẳng trong một tư thế cố định trong một thời gian dài là lý do chủ yếu khiến đầu bị méo.

Mẹo để trẻ sơ sinh không bị méo đầu

Trẻ bị đặt nằm nhiều hoặc nằm nguyên một tư thế dễ bị méo đầu (Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra, có thể gia đình cho bé gối đầu trên những chiếc gối lồi lõm, không có chất lượng tốt cũng là một nguyên nhân. Trong khi đó, hộp sọ của trẻ sơ sinh lúc này vẫn còn rất mềm, dễ dàng bị biến dạng do tác động từ ngoại lực.

Trên thực tế, hiện tượng méo đầu không ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ nhưng về lâu dài sẽ làm mất thẩm mỹ về ngoại hình của trẻ, đặc biệt là với trẻ trai sau này sẽ để kiểu tóc ngắn.

Bé bị méo đầu, có thể chữa được?

Nếu phát hiện sớm đầu trẻ bị méo và can thiệp đúng cách vẫn có thể điều chỉnh để đầu bé tròn trở lại.

- Với trẻ từ 0 - 3 tháng tuổi: Khi cho con bú, mẹ nên xoa đầu nhẹ nhàng, cho bé bú đều cả hai bên. Thường xuyên bé bế lên, tránh tình trạng đặt bé nằm cả ngày.

- Từ 3 - 6 tháng tuổi: Nếu tình trạng của bé không cải thiện, gia đình nên nhờ trợ giúp của chuyên gia thần kinh với các bài tập dành riêng để chữa méo đầu. Tại một số nước phương Tây có trình độ y khoa hiện đại, các bác sĩ có thể cho trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi) đội mũ điều chỉnh để định vị hình dáng đầu. Phương pháp này mất nhiều thời gian điều trị và rất tốn kém.

Mẹo để trẻ sơ sinh không bị méo đầu

Méo đầu tuy không ảnh hưởng đến não bộ nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra, nếu nhận thấy đầu trẻ bị móp hoặc to một cách bất thường, cha mẹ nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt để có chẩn đoán chính xác và kịp thời, loại trừ trường hợp bé bị não úng thủy.

Những lưu ý để hạn chế tình trạng trẻ méo đầu

- Khi cho con bú: Các bà mẹ nên đổi tư thế, cho bé bú đều hai bầu ngực để tránh tình trạng ngực bị lệch (bên bé bú thường xuyên thì ngực căng sữa nên to hơn, bên bú ít thì ngực lép nhỏ hơn), đồng thời cũng hạn chế tình trạng bé bị méo đầu.

- Chú ý khi bé ngồi: Không để trẻ ngồi ở một tư thế cố định trong thời gian dài dù là ngồi trên ghế ăn, ghế xe hơi, địu… vì các bé có xu hướng ngả đầu sang một bên.

- Trở người cho bé liên tục, kể cả khi ngủ hay thức cũng không nên cho bé nằm 1 tư thế quá lâu.

- Khi bé thức: Mẹ nên đặt trẻ nằm sấp để trẻ học cách sử dụng xương cổ linh hoạt hơn, đầu cũng được bảo vệ không bị méo, bẹp. Tuy nhiên, phải lưu ý theo dõi vì một số bé xương cổ còn yếu, chưa sẵn sàng nằm sấp hoặc chúi mặt xuống gối, giường, nhưng không lật người trở lại được dẫn tới ngạt thở.

- Sử dụng đồ treo nôi với âm thanh, màu sắc bắt mắt để giúp trẻ luyện mắt, xoay đầu liên tục.

- Đặt trẻ nằm cần hết sức nhẹ nhàng, đặt lưng và người bé xuống trước, sau đó mới tới đầu. Chọn loại gối mềm, thấp và chỉnh lại tư thế đầu sao cho bé có cảm giác thoải mái nhất.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!