Mỗi năm khám răng bao nhiêu lần?

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Đối với các đối tượng có nguy cơ cao thì 17% đi khám 2 lần/năm phải nhổ bỏ răng.

Các nha sĩ thường khuyến khích người lớn phải đi khám nha khoa mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất cho thấy khám răng mỗi năm một lần đã là đủ để tránh các yếu tố gây bệnh nha chu, trong khi đó, những người có nguy cơ nhiễm bệnh này hơn thì phải khám răng thường xuyên.

Bệnh về răng rất đáng quan tâm khi mà gần một nửa số người trưởng thành trên tuổi 30 hoặc lớn hơn, với khoảng 65 triệu người bị mắc bệnh viêm nướu mạn tính, dễ dẫn đến hư răng. Dù số lần khám răng thường được chỉ định là 2 lần/năm nhưng theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Journal of Dental Research, Nghiên cứu nha khoa, số lần đi khám nha khoa cùng các biện pháp phòng ngừa phải được chọn lựa phù hợp cho từng người, tùy theo các yếu tố dễ gây nguy cơ bệnh nha chu mà người đó mắc phải.

Nghiên cứu so sánh các dữ liệu bảo hiểm của 5.117 người lớn, chủ yếu tại Michigan - Mỹ, với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nha chu khác nhau, để xem xét liệu việc nhổ bỏ răng hư liên quan như thế nào đến lịch khám nha khoa hằng năm. Những đối tượng hút thuốc lá, bệnh tiểu đường hay có các yếu tố khác như sở hữu biến thể đặc biệt trong gen interleukin-1 gây bệnh nha chu (đối với người da trắng) thì được xem là có nguy cơ bị bệnh nha chu cao.

Mỗi năm khám răng bao nhiêu lần?

Ảnh minh họa

Nghiên cứu không tìm ra dữ liệu thống kê nào cho thấy rõ ràng sự khác biệt giữa các đối tượng có nguy cơ bệnh nha chu thấp dù họ đi khám răng một lần hay 2 lần/năm. Trong khi đó, đối với các đối tượng có nguy cơ cao thì 17% đi khám 2 lần/năm phải nhổ bỏ răng, trong khi chỉ có khoảng 22% đối với người đi khám 1 lần/năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết với những ai thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao thì thậm chí 2 lần khám nha khoa trong 1 năm vẫn không đủ để ngăn ngừa hoàn toàn việc phải nhổ bỏ răng. GS William V. Giannobile, người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết: ‘Kết luận không phải là bạn không cần nha sĩ mà mỗi bệnh nhân cần được chăm sóc một cách phù hợp’.

GS Robert J. Genco, một nhà nha khoa nổi tiếng thuộc Đại học Buffalo, gọi nghiên cứu này là ‘Một bứt phá lớn trong việc sử dụng hồ sơ nguy cơ nhiễm bệnh cho từng đối tượng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa’. Tuy nhiên GS Ray C. Williams, thuộc Trường Nha khoa - Đại học Stony Brook, cho rằng nghiên cứu này vẫn chưa hoàn hảo do không chú ý đến vấn đề thói quen vệ sinh răng miệng của các đối tượng, một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa hư răng.

Dù vậy, ông vẫn ca ngợi nghiên cứu này vì nó mở đầu cho việc cá nhân hóa trong chẩn đoán nha khoa và tinh chỉnh phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân. GS Paul Beirne, người đứng đầu một nghiên cứu tương tự vào hồi năm 2007, cho biết kết luận của nghiên cứu trên vẫn không thể áp dụng hoàn toàn bởi nó còn thiếu các yếu tố của bệnh sâu răng. Ngoài ra, ông cũng cho biết nghiên cứu này không thể áp dụng cho trẻ em.

Nghiên cứu của GS Williams và các đồng nghiệp vẫn được xem là một trong các bằng chứng đầu tiên chống lại thói quen khám răng cùng một kiểu nhưng dành cho tất cả mọi người.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!