Hơn 40 năm vất vả nhưng anh chị lúc nào cũng tâm niệm chỉ cần gia đình có sức khoẻ. Các con khỏe mạnh, có công ăn việc làm ổn định, thành đạt thì dù cho có khó khăn hơn nữa anh chị vẫn vượt qua được.
Đến khu phố Huỳnh Thúc Kháng, chẳng ai là không biết gia đình anh Cao Văn Thành và chị Phạm Thị Kim Sang. Gần 40 năm chung sống với nhau dưới một mái nhà, với anh chị ‘thật hạnh phúc và chúng tôi trân trọng từng phút từng giây khi được ở bên nhau’.
Đến tìm nhà cặp vợ chồng này, chúng tôi được nghe từ miệng của những người dân nơi đây nói về anh chị với những lời hết sức ngưỡng mộ, kính nể như: ’Vợ chồng anh Thành, chị Sang đúng không? Họ hiền lành, tốt bụng lắm!’.
Ai ở phố Huỳnh Thúc Kháng cũng biết đến và ngưỡng mộ cặp vợ chồng đặc biệt này
Với chị Sang, quyết định lấy anh hoàn toàn chính xác
Cổ tích một chuyện tình
Vì 2 người sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm (2/2/1951) nên khi gặp nhau tại cùng giảng đường của trường Đại học Bách Khoa, anh Cao Văn Thành và chị Phạm Thị Kim Sang cảm mến nhau từ lúc nào không biết. Tình yêu trong sáng của anh chị cứ thế trôi qua và lớn dần lên bên cạnh tuổi sinh viên đầy hoài bão, khát vọng, ước mơ, đến một ngày.
Chàng sinh viên Đại học Bách khoa Cao Văn Thành phải gác lại giấc mơ học hành để lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Và trong ngày nhận trọng trách đặc biệt đó anh Thành và chị Sang đã giao ước và hi vọng về tương lai một đám cưới hạnh phúc trong tương lai.
Anh Thành tự thuật, năm 1972 anh cũng như bao thanh niên khác lên đường nhập ngũ tại chiến trường Quảng Trị, đến năm 1975, anh tiếp tục tham gia chiến dịch Mậu Thân. Bên trong chiếc ba lô, anh luôn mang bên mình giấy bút. ’Hành quân đến đâu, những lúc dừng chân nghỉ ngơi, tôi cũng có thói quen viết vài dòng cho người con gái của mình, mong cô ấy đỡ lo lắng’.
Chị Sang cho biết: ‘Đến giờ, sau mấy chục năm trời, tôi vẫn còn lưu giữ những cánh thư đó. Tuy đó chỉ toàn là những dòng viết ngắn gọn như ‘Anh đang ở Quảng Trị, anh khỏe. Em yên tâm nhé'; ‘Hôm nay đơn vị của anh hành quân qua quê em. Em an tâm học tốt’… nhưng cũng đủ giúp tôi thêm an lòng, trân trọng tình cảm giữa tôi và anh’.
Nhớ lại quãng đời khá sóng gió để đi đến những ngày hạnh phúc như hôm nay, vợ chồng anh Thành – chị Sang đã hồi tưởng lại với những lời kể đôi khi thấm đẫm nước mắt. Những năm đó, chị Sang vẫn cố gắng học thật tốt với sự an tâm là những bức thư đến đúng hẹn. Rồi đến một ngày, ‘Tôi nhận được bức thư.
Vẫn là những nét chữ của anh nhưng nguệch ngoạc nhiều. Nội dung thư khiến chưa bao giờ tôi lo lắng, bất an đến như thế: ‘Sang à, anh bị thương ở mắt và tay phải nhưng anh vẫn khỏe, em yên tâm học tốt nhé’, chị tâm sự.
Hồi trước không có điện thoại, máy tính hiện đại như ngày nay, anh chị chỉ có thể biết tin nhau thông qua những cánh thư tay. Sau khi nhận được bức thư đó, chị không được phút nào yên tâm, trong lòng như có lửa đốt, chị liên tục hỏi han người cùng đội với anh.
Dự cảm của chị không sai, anh Thành bị thương khá nặng và không còn khả năng chiến đấu. Từ Quảng Trị, anh được sơ cứu và chuyển ngay ra Bắc để điều trị. Tại bệnh viện Quân y 109 (Vĩnh Phúc), những tia sáng cuối cùng đã hoàn toàn đóng lại trước khi anh nhìn thấy người yêu dấu của mình.
Qua thông tin từ bạn bè, đồng đội, chị gác lại Luận văn tốt nghiệp và nhanh chóng bắt tàu đến viện 109. Đến viện Quân Y 109, chị được thông báo anh đã được chuyển lên viện 108 ngoài Hà Nội. Chẳng kịp suy nghĩ thêm, chị vội bắt tàu lên Hà Nội luôn. Từng giây từng phút ngồi trong khoang tàu, chị mường tượng ra gương mặt anh, chị lo lắng rồi lại hi vọng, chị hình dung ra con mắt anh bị mờ đi, tay anh có vết thương, chị thương anh vô cùng.
Đến khi gặp anh Thành, nước mắt chị trào ra khi nhận được câu hỏi: ‘Sang, có phải em đấy không?’ với một đôi mắt nhìn vô định mờ ảo của anh. Mặc cho cơ thể người thương binh Cao Văn Thành đang bị hoại tử, chị Sang vẫn lao đến vào ôm lấy anh, chị hiểu tại sao anh bạn mới cùng lớp ngày nào lại không nhận ra mình. ‘Và cũng từ giây phút đó, tôi quyết định gắn cuộc đời mình với anh!’ – chị Sang nghẹn ngào. Năm đó, 1975, trong một trận chiến đấu, anh trúng phải đạn cối của địch, bị sức ép và mảnh đạn bắn vào hai mắt. Hiện, những lúc trái gió trở trời, anh vẫn bị những mảnh đạn trong đầu hành hạ.
Từ một chàng sinh viên thông minh, người lính trẻ tràn đầy sức sống bỗng dưng trở thành một người không thấy ánh sáng, nhất thời không chấp nhận được sự thật, anh chia sẻ: ‘Nếu như lúc đó không có Sang bên cạnh, không biết tôi có vượt qua được cú sốc đó hay không nữa. Tôi đã bị sốc nặng và khủng hoảng tinh thần trầm trọng suốt một thời gian dài. Những ngày ở trong viện, được Sang động viên, biết được nhiều đồng đội khác còn đáng thương hơn mình’… Rồi anh hiểu ra ý nghĩa từ những hy sinh cao cả, cũng từ đó anh lạc quan hơn, dần lấy lại niềm tin và nghị lực sống.
‘Ngược sóng, ngược gió để yêu nhau’
Chị Sang - người con gái khỏe mạnh, tương lai ngời ngời trước mắt vẫn quyết tâm và tin tưởng vào tình yêu đẹp mà anh chị dành cho nhau. Bất chấp mọi sự ngăn cản, phân tích của gia đình bạn bè, tiếng khóc của mẹ, tiếng can của các chị em, năm 1976, đám cưới giản dị nhưng đầy ấm áp của anh chị vẫn diễn ra.
Chị nhớ lại: ‘Ngày đó, tôi đèo anh trên chiếc xe đạp cũ, bỏ lại đằng sau lưng là những tiếng than thở, khóc lóc với theo của gia đình. Mẹ và các chị đều bảo: ‘Sao con phải sống khổ thế này?’, ‘Sao chị lại chấp nhận điều này’. Tuy nhiên, ngày đó, người duy nhất ủng hộ anh chị là bố chị. Chị không bao giờ quên được câu nói trong đám cưới của bố dành cho chị: ‘Con lấy một người vì dân vì nước nên bố sẽ luôn động viên con!’.
Thế rồi, bằng tính cách thật thà, chăm chỉ, chịu khó, anh đã lấy được tình yêu thương từ hết thảy các thành viên trong gia đình chị. Thời gian đầu ở Thanh Hóa, anh ngày ngày nhờ vợ chở đi dạy nhạc cho trẻ em ở khắp thôn trên xóm dưới. Trong thời gian đi dạy, anh Thành thường tìm gặp và động viên những người cùng cảnh ngộ như anh phải lạc quan để sống một cuộc sống thiếu ánh sáng.
Và cũng từ đó, anh đã lập nên Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Rồi, anh Thành làm việc ở Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Chị Sang theo học văn bằng hai của Học viện Hành chính Quốc gia để đáp ứng đủ yêu cầu và xin về công tác tại Trung ương Hội.
40 năm chung sống hạnh phúc, anh chị đã có với nhau ba người con. Người con gái lớn không may bị nhiễm chất độc da cam từ bố nên không nói và không nghe được, hai người con sau của anh chị đều rất giỏi và thành đạt trong công việc. Nhớ lại những tháng năm vất vả vì chồng, vì con, chị cũng không hiểu sao mình lại có được một nghị lực phi thường đến thế.
Chị bảo, có lẽ nó xuất phát từ tình yêu đối với người chồng của mình, anh Cao Văn Thành. Chị luôn là người bên cạnh động viên, an ủi chồng, giúp anh vượt qua cảm giác đau đớn ấy. Trong cuộc sống hàng ngày, chị vừa là ‘đôi mắt’, vừa là ‘đôi tai’ của anh. Dù không nhìn thấy, nhưng mọi chuyện trong nhà, ngoài ngõ, anh đều biết với sự giúp đỡ của người vợ hiền.
Tuy đã về hưu nhưng ngày nào anh Thành cũng đi làm cộng tác thêm cho Hội người Mù
Ngày nào cứ đến giờ anh đi làm về, chị Sang lại ra đón anh từ tận cổng nhà
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!