Món ăn, nước uống phòng trị cảm nắng

Người bệnh ăn gì - 11/24/2024

Những đợt nắng nóng kéo dài khiến người bứt rứt mệt mỏi. Khi phải phơi mình quá lâu ở ngoài trời nắng, hoặc phải làm việc trong môi trường nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...),... rất dễ bị cảm nắng, nóng.

Cơ thể bị rối loạn điều hòa thân nhiệt và mất nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Nếu bị cảm nắng nhẹ biểu hiện tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê,... Sau đây là những món ăn, nước uống phòng trị cảm nắng.

Món ăn, nước uống phòng trị cảm nắng

Cháo đậu xanh lá sen trị cảm nắng nóng, ngực khó chịu, đầu căng.

Cháo phòng trị cảm nắng:

Cháo lá bạc hà: lá bạc hà 10g, gạo lứt 100g. Rửa sạch lá bạc hà đun với 200ml nước còn 100ml, bỏ bã, lấy nước. Gạo đãi sạch, cho 800ml nước vào nấu cháo đặc, cháo vừa chín tới cho nước thuốc vào, đun một lát nữa là được, chia ăn 2-3 lần trong ngày. Tác dụng sơ tán phong nhiệt, trị cảm nắng nóng, đau đầu, sốt, mắt đỏ, họng sưng đau do cảm phong nhiệt mùa hè. Lưu ý, người dạ dày hư hàn nên ăn ít.

Cháo đậu xanh, lá sen: đậu xanh 30g, 1/4 lá sen, gạo 100g. Đậu xanh vo sạch cho vào nồi nấu trước, đậu chín cho gạo và lá sen vào, nấu cháo loãng, chia ăn 2-3 lần trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử, bồi bổ sức khỏe. Trị cảm nắng nóng, ngực khó chịu, đầu căng.

Cháo đậu xanh bách hợp: đậu xanh 50g, bách hợp tươi 50g, gạo lức 100g. Đậu xanh, bách hợp rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu chín, cho tiếp gạo vào nấu cháo loãng, chia ăn nhiều lần trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt giải độc trừ ho trị cảm nắng, nóng. Lưu ý người cảm phong hàn không nên dùng.

Cháo rễ ngưu bàng: rễ ngưu bàng 30g, gạo lức 50g. Rễ ngưu bàng cho vào nồi, đổ nước đun sôi 5 phút, bỏ bã lấy nước. Gạo đãi sạch nấu cháo, cháo chín cho nước rễ ngưu bàng vào, thêm đường vừa đủ, quấy đều. Ngày ăn 1 bát. Tác dụng thanh nhiệt, trị cảm, viêm họng.

Món ăn, nước uống phòng trị cảm nắng

Khi phải phơi mình quá lâu ở ngoài trời nắng, hoặc phải làm việc trong môi trường nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...),... rất dễ bị cảm nắng, nóng.

Nước uống phòng trị cảm nắng:

Bí đao giã vắt lấy nước, uống nhiều nước.

Dưa chuột giã nát vắt lấy nước, uống nhiều nước.

Mướp đắng tươi 1 quả, bỏ ruột, nấu nước uống.

Tỏi sống 1 củ to giã nát, cho đun sôi để nguội hòa uống. Chữa cảm nắng, ngất đột ngột.

Đậu xanh, 60g, hoa mướp tươi 8 bông. Đậu xanh vo sạch đổ nước nấu chín, vớt đậu ra, cho hoa mướp vào nấu sôi. Uống nước khi còn ấm.

Rễ cúc tần 20g, lá ngải cứu 20g, xuyên tâm liên 20g, lá mùi tàu 20g, gừng tươi 8g. Sắc uống 1-2 thang.

Vỏ vối 20g, tía tô 30g, hương nhu 16g, trần bì 8g, cam thảo dây 16g. Sắc uống.

Hạ khô thảo 20g, lá tre 20g, rễ cỏ tranh 16g, cỏ nhọ nồi 16g, trắc bá diệp 16g. Sắc uống 1-2 thang.

Phòng tránh cảm nắng

Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát giúp cơ thể thông thoáng mồ hôi, ổn định thân nhiệt, hạn chế việc say nắng.

Tránh ra ngoài đường vào giữa trưa sang chiều là lúc nhiệt độ ánh nắng mặt trời cao nhất, thời điểm này rất dễ bị say nắng.

Uống nhiều nước (2,5-3 lít nước mỗi ngày) bất kể là nước lọc hay nước hoa quả, nếu là các loại nước giải nhiệt càng tốt.

Tránh các hoạt động thể chất mạnh, lao động nặng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, thần kinh căng thẳng kết hợp với thời tiết nắng nóng rất dễ bị say nắng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!