Một số điều nên biết về mùi cơ thể

Kỹ năng sống - 05/06/2024

Nếu mùi cơ thể quá nặng, các thuốc không cần kê đơn không có tác dụng, bác sĩ da liễu có thể tiêm botox cho bạn.

Cơ thể mỗi người có một mùi đặc trưng riêng. Nếu chẳng may bạn nằm trong số những người có ‘mùi hương đặc biệt’, những thông tin về mùi cơ thể dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn:

1. Mồ hôi không tạo ra mùi cơ thể

Cơ thể chúng ta có hai tuyến mồ hôi là tuyến nội tiết (eccrine) và tuyến mồ hôi tiết dầu (apocrine). Các tuyến nội tiết có ở hầu khắp các bộ phận cơ thể và tiết ra mồ hôi để giữ mát cho cơ thể. Mồ hôi từ tuyến này tiết ra là một chất lỏng vô trùng, dung dịch điện giải pha loãng chủ yếu chứa natri clorua (NaCl), kali và axit cacbonat. Các tuyến mồ hôi tiết dầu tập trung nhiều nhất ở những bộ phận lông tóc trên cơ thể (da đầu, nách, háng). Mồ hôi do tuyến này tiết ra không có mùi nhưng rất giàu tiền chất của các loại chất thơm (như cholesterol, triglyceride hay còn gọi là chất béo trung tính, axit béo, este cholesterol, squalene). Nó cũng chứa các nội tiết tố androgen, carbohydrate, amoniac và sắt III.

Mọi người thường nghĩ rằng đổ mồ hôi sẽ gây ra mùi cơ thể nhưng trên thực tế bản thân mồ hôi không có mùi mà khi bạn đổ mồ hôi, chính các vi khuẩn trên da sẽ phân hủy mồ hôi và khiến mồ hôi có mùi khó chịu.

Một số điều nên biết về mùi cơ thể

2. Mùi cơ thể ‘nặng nhất’ ở đâu?

Nách là bộ phận có tuyến mồ hôi làm việc ‘tích cực’ nhất trên cơ thể. Đồng thời, đó cũng là vị trí kém ‘thông thoáng’, chứa nhiều vi khuẩn khiến mồ hôi chảy ra dễ bị vi khuẩn phân hủy nên ‘tỏa hương’ hơn so với các bộ phận khác, nhất là vào mùa hè hay khi bạn vận động nhiều.

Da đầu là nơi có tuyến mồ hôi tiết dầu hoạt động nhiều. Mồ hôi từ tuyến này tiết ra không gây mùi hôi. Nhưng các vi khuẩn gây mùi hôi lại bị thu hút bởi loại mồ hôi đặc biệt này. Và khi chúng phân hủy các chất béo trong mồ hôi của tuyến mồ hôi tiết dầu, mùi hôi sẽ xuất hiện. Tóc bạn càng dày sẽ càng có nhiều vi khuẩn bám vào dẫn tới mùi sẽ càng nặng.

Bên cạnh đó, bàn chân cũng là một trong những bộ phận tiết nhiều mồ hôi nhất trên cơ thể. Vì thế, vào mùa nóng, bàn chân sẽ rất dễ bị ‘bốc mùi’ khó chịu nhất là khi bạn thường xuyên đi tất.

Vùng kín của chúng ta cũng là bộ phận dễ bị ‘bốc mùi’ khi trời nóng.

3. Những yếu tố góp phần làm tăng mùi cơ thể

Chúng ta từng nghe nói đến các yếu tố góp phần gây ra mùi cơ thể như chế độ ăn uống: ăn nhiều thịt (nhất là thịt đỏ), gia vị mạnh có mùi như tỏi, hành tây và cà ri, caffeine và rượu, sữa và các sản phẩm từ sữa, thuốc lá hoặc do bị bệnh, hoặc do dùng các loại thuốc, yếu tố di truyền, thời kỳ mãn kinh, lượng đường trong máu thấp, bệnh thận, tỷ lệ trao đổi chất thấp, sâu răng, thiếu kẽm hoặc magiê trong cơ thể, thiếu vệ sinh cá nhân…

Một số điều nên biết về mùi cơ thể

Bên cạnh đó cũng có một số nguyên nhân ít ngờ gây mùi cơ thể:

- Vệ sinh không đúng cách: Bạn có thể sử dụng xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh những ‘điểm nóng’ gây mùi cơ thể nhưng không nên đi xa hơn. Một số người còn cố gắng rửa cồn lên những khu vực này. Cách vệ sinh này khiến da bị khô và cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi hơn.

- Căng thẳng cũng là nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi. Nhiều người ra mồ hôi (ở lưng, nách, tay, chân, mặt...) vào những lúc căng thẳng, hồi hộp, sợ hãi hay lo âu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây mùi cơ thể.

- Cách chế biến thức ăn cũng ảnh hưởng tới mùi cơ thể. Nấu ăn đúng cách, sử dụng hàm lượng dầu thấp như luộc, hấp sẽ làm giảm hấp thụ chất béo, nhờ đó làm giảm xác suất gây mùi của cơ thể.

4. Làm gì nếu mùi cơ thể quá nặng?

Nếu mùi cơ thể quá nặng (nhất là hôi nách), và các thuốc không cần kê đơn không có tác dụng, bác sĩ da liễu có thể tiêm botox cho bạn. Đây là thủ thuật được FDA phê chuẩn để ngăn tiết mồ hôi và cần thực hiện 3-4 tháng/lần. Cũng có một loại thiết bị mới gọi là miraDry sử dụng công nghệ vi sóng để loại trừ các tuyến mồ hôi dưới nách. Ngoài ra còn có thủ thuật cắt hạch giao cảm để điều trị chứng ra mồ hôi nhiều ở tay. Tuy nhiên, các thủ thuật này chỉ mang tính chất tương đối, có hiệu quả ở vùng da nhỏ, trong thời gian nhất định. Hiện vẫn chưa có phương pháp nào loại bỏ triệt để mùi hôi của cơ thể. Để giảm thiểu mùi cơ thể, bên cạnh việc dùng các phương pháp điều trị, bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đúng cách, hạn chế các yếu tố góp phần tăng mùi cơ thể.

Hà Ngân (tổng hợp)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!