Dấu hiệu nhận biết bệnh cột sống mất vững

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh lý mất vững cột sống thắt lưng thường biểu hiện bằng đau thắt lưng, tê một hoặc 2 chân.

Bệnh thoái hóa thân đốt sống nói chung thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa. Khi khối thoát vị lồi ra sẽ kéo theo màng xương cạnh nó. Lâu ngày xương mọc ra theo, tạo thành những vành xương trông như những cái gai nhọn khi chụp X-quang nên người ta gọi là gai cột sống. Có một dạng thoái hóa thân đốt sống khác do các đĩa sụn ở thân đốt sống nứt vỡ gây ra các chuyển động bất thường khi người bệnh cử động, kèm theo cảm giác đau, được gọi là bệnh lý mất vững cột sống.

Mất vững cột sống thường xảy ra ở người lớn tuổi, song cũng có thể gặp ở người trẻ bị bệnh viêm khớp đi kèm. Đa số các trường hợp là do bao khớp phì đại, ngấm vôi và nứt vỡ, rách đứt, từ đó khớp không còn ổn định. Khi người bệnh di chuyển, các thành phần của khớp bị lúc lắc, xục xịch, tạo nên sự mất ổn định của khớp cột sống, gọi là mất vững.

Dấu hiệu nhận biết bệnh cột sống mất vững

Bao khớp phì đại, ngấm vôi và nứt vỡ gây bệnh lý mất vững cột sống (Ảnh minh họa: Internet)

Khi cột sống mất vững, sự xê dịch của các cấu trúc xương ở đĩa cuối thân đốt sống cùng với các khớp sẽ kích thích quá trình tái tạo các dây chằng hoặc cấu trúc liên quan. Tình trạng này kéo dài làm cho dây chằng và bao khớp ngày càng phì đại, dần dần gây hẹp lỗ liên hợp hoặc ống sống, sẽ tiến triển nặng thêm theo thời gian.

Dấu hiệu nhận biết bệnh cột sống mất vững

Thân cột sống và khớp thoái hóa phì đại làm hẹp lỗ liên hợp và lòng ống sống (Ảnh minh họa: Internet)

Bệnh lý mất vững cột sống thắt lưng thường biểu hiện bằng đau thắt lưng, tê một hoặc 2 chân. Các triệu chứng này tăng lên khi đi, quãng đường di chuyển càng xa, tê càng nhiều, đến một mức nào đó 2 chân co cứng, người bệnh không thể đi tiếp mà phải nghỉ. Đó gọi là hiện tượng 'giả cách hồi', giống như hiện tượng cách hồi (đi – nghỉ - đi – nghỉ) thường gặp ở các bệnh lý hẹp, tắc động mạch chân.

Trong bệnh lý mất vững cột sống, thường 2 chân không bị lạnh, mạch mu chân vẫn đập bình thường, triệu chứng này ngược lại với bệnh thuyên tắc động mạch thường lạnh ở chân và mạch mu chân không nhảy. Ngoài ra, suy van tĩnh mạch 2 chân cũng có triệu chứng tương tự nhưng thường kèm theo phù chân khi đi nhiều.

Sự mất vững là nguyên nhân gây đau hàng đầu ở bệnh nhân mất vững cột sống thắt lưng. Ngoài ra, đau còn có thể do sự xuất hiện của một lớp mô viêm hình thành khi người bệnh cử động kéo theo các cấu trúc kế cận bị xê dịch, chà xát lên nhau gây viêm. Bệnh có thể gây đau thần kinh tọa, giảm hoặc mất cảm giác, yếu, liệt một hoặc cả 2 chân giống như bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

Nếu vị trí mất vững xảy ra ở cột sống cổ sẽ gây đau cổ, vai và các biểu hiện của bệnh lý rễ, bệnh lý tủy giống như bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Triệu chứng chóng mặt khi cử động cổ cũng tương đối phổ biến, thường làm cho các bác sĩ nhầm lẫn với rối loạn tiền đình. Cần lưu ý trong bệnh lý mất vững cột sống cổ, chóng mặt chỉ xảy ra khi cử động cổ, nếu người bệnh được nẹp cổ lại thì xoay trở thế nào cũng không bị chóng mặt.

Phương pháp chữa trị đầu tiên được áp dụng cho bệnh nhân mất vững cột sống bao gồm dùng thuốc và vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, ion, từ trường...cùng với bất động cột sống bằng nẹp ngoài. Việc bất động cột sống bằng nẹp ngoài được thực hiện ở giai đoạn cấp tính người bệnh đau, dữ dội, không thể di chuyển được hoặc bệnh nặng nhưng chưa phải mổ.

Đối với trường hợp mất vững nhẹ, mới xuất hiện đau thắt lưng hoặc cổ chưa lan đi xuống tay, chân, chưa có biểu hiện của bệnh lý tủy (ở mất vững cột sống cổ) thì việc tập cử động vùng khớp bị mất vững có ý nghĩa rất quan trọng. Sự cử động giúp kích thích quá trình liền lại các cấu trúc bị rách đứt, làm trẻ hóa các dây chằng, bao khớp, tăng tốc quá trình tiêu hủy các tế bào thoái hóa.

Khi tình trạng mất vững trở nên trầm trọng, gây ra các thương tổn thần kinh hoặc làm giảm đáng kể khả năng đi lại của bệnh nhân, hiện tượng 'giả cách hồi' xuất hiện thường xuyên, sẽ phải phẫu thuật. Mục đích của cuộc mổ là làm vững lại cột sống, giải phóng các cấu trúc thần kinh ra khỏi sự chèn ép.

Khi mổ, để làm vững cột sống, bác sĩ cần phải hàn xương giữa các đốt sống bị mất vững cho bệnh nhân. Để các mảnh xương hàn liền tốt vào các đốt sống thì vùng đó phải được bất động. Hiện nay, biện pháp bất động tốt nhất, cho kết quả liền xương tốt nhất là dùng dụng cụ bất động trong (hay nẹp vít). Dụng cụ này gồm những vít bằng kim loại bắt vào thân đốt sống, kết nối với nhau bằng các thanh dọc và ngang hoặc hệ thống các nẹp kim loại. Trong một khoảng thời gian nhất định, hệ thống này sẽ giúp bất động các đốt sống, tạo điều kiện cho xương mọc ra, hàn liền các đốt sống vào với nhau giúp cột sống trở nên vững chắc.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!