PGS, TS Đinh Ngọc Sơn thực hiện ca phẫu thuật gù vẹo cột sống.
Bé N.T.T bốn tuổi, chỉ nặng 10 kg được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đã liệt nửa người.
PGS, TS Đinh Ngọc Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chưa bao giờ anh gặp một ca bị gù vẹo lại tiến triển nhanh, chèn ép tủy, gây liệt nhanh như bệnh nhi này.
Thể trạng bệnh nhi rất yếu, liệt hoàn toàn trước mổ. Bệnh nhi bị gù rất nặng nề ở vị trí ngực cao, rất khó can thiệp. Bệnh nhi mới bốn tuổi nên xương rất mềm, các bác sĩ phải tính toán rất kỹ trước mổ làm sao cố định cho cột sống đủ chắc, chỉnh hình được mà phải giải phóng được tủy để cháu bé không bị liệt.
PGS, TS Đinh Ngọc Sơn.
'Chúng tôi phải can thiệp đi từ ngoài khoang màng phổi bởi vì nếu vào khoang màng phổi sẽ làm ảnh hưởng đến hô hấp của bệnh nhi. Chúng tôi phải sử dụng màn tăng sáng trong mổ để xác định chính xác vị trí, sử dụng kính hiển vi phẫu thuật bảo đảm độ rõ nét để giám sát thần kinh trong mổ. Việc hồi sức cho bệnh nhi thể trạng yếu này cũng rất khó vì bé phải cắt cả một thân đốt sống để giải phỏng tủy sống, sau đó ghép xương', BS Sơn cho biết.
Đây là một trong những ca đặc biệt khi can thiệp cột sống cho các bệnh nhi trong thời gian qua. Trong trường hợp này, bệnh nhi bị gù vẹo tiến triển quá nhanh dẫn tới liệt.
BS Sơn cho biết, mặc dù cột sống ngực có độ cong tự nhiên từ 20-45 độ, nhưng các bất thường về tư thế hoặc cấu trúc có thể dẫn đến một đường cong nằm ngoài phạm vi bình thường này. Khi bác sĩ thăm khám, nếu đường cong cột sống lớn hơn bình thường (hơn 50 độ) được gọi là quá gù cột sống (hay gọi chung là gù cột sống) dẫn đến lưng trên tròn.
Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng gù cột sống rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của đường cong. Chúng có thể bao gồm: Tròn vai; Bướu gù có thể nhìn thấy ở lưng; Đau lưng nhẹ; Mệt mỏi; Cột sống cứng; Cơ gân kheo (cơ ở mặt sau của đùi). Theo thời gian, các đường cong tăng dần có thể dẫn đến yếu, tê hoặc ngứa ran ở chân; Mất cảm giác; Khó thở, thở nông.
Theo BS Sơn, gù vẹo cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đối tượng cần quan tâm nhất là trẻ em vì nếu không xử trí sớm để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến đời sốn tinh thần, sức khỏe, tâm sinh lý của các cháu
'80% vẹo cột sống không có nguyên nhân, 20% có nguyên nhân. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển của con mình từ nhỏ, từ khi biết ngồi xem lưng có bị gồ không. Trẻ dễ đánh giá hơn ở giai đoạn từ ba tuổi trở lên, khi biết đi đứng. Trẻ từ sau ba tuổi sẽ được cân nhắc phẫu thuật', BS Sơn nói.
PGS, TS Đinh Ngọc Sơn khám cho bệnh nhi bị gù vẹo cột sống.
Nguyên tắc vẹo cột sống phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt trong thời gian 5-8 tuổi, đặc biệt trước 10 tuổi. Nếu phát hiện muộn, nhiều cháu sẽ bị thiểu sản, kém phát triển lồng ngực dẫn tới phổi không phát triển được, phế nang ít đi. Trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tuần hoàn, tim mạch, các cơ quan hệ tiêu hóa. Khi qua thời gian vàng, phổi khung sươn xường bị biến dạng hết, phổi kém rồi thì không thể làm can thiệp lồng ngực và phổi.
Gần đây tỷ lệ các cháu bé đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vì bệnh lý gù vẹo cột sống ngày một gia tăng. Đặc biệt, vào giai đoạn mùa hè, trung bình mỗi ngày khoa Phẫu thuật Cột sống mổ cho 2-3 vẹo cột sống ở đủ mọi lứa tuổi.
Nếu bệnh gù cột sống được chẩn đoán sớm, phần lớn người bệnh có thể được điều trị thành công mà không cần phẫu thuật và có cuộc sống năng động, khỏe mạnh.
Nhằm tư vấn người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh lý gù vẹo cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh lý gù vẹo cột sống cùng các chuyên gia hàng đầu về cột sống vào ngày 22-8 tại Phòng khám số 10, Tầng 2, nhà C4, Khu Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đặc biệt, người dân sẽ được thực hiện X-quang toàn bộ cột sống miễn phí.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!