Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, hiện nay khoảng 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển do nguồn nước và môi trường không đảm bảo. Mỗi năm, Việt Nam có 9000 người tử vong, 200.000 trường hợp mắc ung thư có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, xảy ra trên nhiều tỉnh, thành của cả nước, trong đó có cả Hà Nội, TP.HCM…
Nước giếng chuyển thành màu đen
Người dân làng Linh Quy, xã Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) nhiều năm nay không thể sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt. Nước bơm lên từ giếng có mùi khó chịu, khi đun nấu sẽ chuyển thành màu lạ. Theo anh Lê Văn Bình (37 tuổi, dân làng Linh Quy), khi dùng nước giếng pha chè, nước sẽ chuyển sang màu đen đặc. Nếu dùng nấu cơm thì cơm vàng, nấu canh thì xanh đậm, lại bốc mùi nên anh cùng hàng nghìn hộ dân trong làng không dám sử dụng.
Trưởng thôn Linh Quy, Ông Lê Đức Chính cho biết, 965 hộ dân với 3.700 nhân khẩu trong làng đang phải chống trọi với tình trạng thiếu nước sạch. Giếng khơi hầu hết cạn trơ đáy, giếng khoan thì ô nhiễm, hôi, tanh… khiến người dân không thể sử dụng.
Nước biến màu sau khi pha chè ở làng Linh Quy (Ảnh: Zing)
Theo một số người nhân, nguyên nhân của việc ô nhiễm nguồn nước là do nhiều hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Nước thải của quá trình giết mổ được đổ trực tiếp ra ao làng, cống rãnh… lâu ngày gây ra tình trạng ô nhiễm.
Do chưa có dịch vụ nước sạch, người dân phải mua nước sạch đóng bình để đun nấu. Nước giếng sau quá trình lọc chỉ dùng cho tắm giặt.
Nhận biết nước ô nhiễm
Nước ô nhiễm nặng sẽ có mùi và màu sắc khác biệt so với nước thông thường. Nước nhiễm sắt hay có mùi tanh, màu xanh vàng khi phơi ngoài không khí. Nước mùi nồng, gây khó chịu cho người sử dụng có thể bị ô nhiễm clo, nhất là nước lấy từ dịch vụ nước sạch. Một số trường hợp ít gặp, nước nhiễm H2S sẽ có mùi trứng thối, thum thủm. Nước chứa nhiều muối canxi, magie, mangan, sẽ có váng đen trên mặt, khó nấu chín thức ăn, dụng cụ nấu nướng dễ xuất hiện mảng bám…
Với nước nhiễm phèn, người dân có thể dùng nguồn nước nghi ô nhiễm để pha chè. Nước nhiễm phèn sẽ chuyển sang màu tím thẫm. Ngoài ra, nếu dùng nước nhiễm phèn nhỏ vào giọt mủ trên bẹ chuối thì nước cũng ngả sang màu đậm hơn. Những cách này đều khá đơn giản, bạn dễ dàng xác định được nguồn nước có nhiễm phèn hay không?
Rất nhiều nơi không có nước sinh hoạt để dùng vì nguồn nước bị ô nhiễm quá mức (Ảnh minh họa: Internet)
Tuy nhiên, không phải nước không có màu, mùi lạ… là hoàn toàn an toàn. Người dân nên mang mẫu nước của gia đình, khu vực đến Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Yersin, Hà Nội), Viện Công nghệ môi trường (18 Hoàng Quốc Việt), hoặc Viện Vệ sinh y tế công cộng (TP HCM)… để tiến hành nghiên cứu, xác định các chất có trong mẫu. Cách này khá tốn kém nhưng cho kết quả chính xác cao.
Một số phương pháp xử lý nước
Với những nước nhiễm độc clo, người dân cần đợi clo bay hết rồi mới sử dụng. Luôn đun sôi nước, uống trong vòng một ngày, không tích trữ.
Xây bể để hứng nước mưa. Lắp đặt thiết bị lọc để loại bỏ phần nào kim loại trong nước mưa, nước nhiễm phèn… để có thể sử dụng.
Với nước giếng khoan ô nhiễm nặng nề, cần xây dựng hệ thống lọc để có thể dùng nước trong tắm giặt, không dùng để ăn uống. Mua nước sạch để phục vụ cho nấu nướng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, khá tốn kém.
Kế hoạch lâu dài, người dân cần tiến hành các biện pháp bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm. Nhà nước cần hoàn thiện các dự án nước sạch giúp người dân những vùng thiếu nước như làng Linh Quy có nước để dùng.
>> Xem thêm: Nước trà 'biến' nước giếng thành màu tím than
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!