Một tháng tự điều trị sỏi thận rước luôn bệnh suy thận cấp

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Sau hơn 1 tháng uống thuốc của 'lang vườn', ông bị đau bụng, nôn và bí tiểu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị suy thận cấp.

Ông M. cho biết, hai tháng trước ông được xác định bị sỏi thận, nhưng chưa cần can thiệp. Song do lo lắng sỏi thận tiến triển, ảnh hưởng về sau, đồng thời cho rằng uống thuốc nam nếu không hết bệnh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe nên ông đã cắt thuốc nam về uống.

Gần đây, ông M xuất hiện đau bụng, bí tiểu, buồn nôn. Gia đình đưa ông vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn điều trị được hai ngày thì chuyển ông xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho ông M cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp với các biểu hiện: vô niệu, phù toàn thân, dịch cổ chướng, nôn do hội chứng ure máu cao...

Sau hai ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của ông M. vẫn chưa hồi phục: bụng chướng to, chân tay phù nề, vô niệu. Kết quả thăm khám cũng cho thấy bệnh nhân ở trong tình trạng thừa dịch, các chất độc do hậu quả của suy thận cấp vẫn tăng khi bệnh nhân dừng lọc máu.

Trường hợp của bà N. T. H. 53 tuổi, Hưng Yên cũng bị suy thận vì sử dụng thuốc trị sỏi thận. Bà H. bị sỏi thận 5 năm nay và về nhà bà kiên trì sử dụng thuốc trị sỏi thận bằng đông y.

Một tháng tự điều trị sỏi thận rước luôn bệnh suy thận cấp

Bệnh nhân điều trị tại khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai

Cách đây 5 tháng, bà H. đi khám bệnh sỏi thận không nhỏ, không tiêu đi mà nó còn to hơn, bà H. lại đi lấy thêm thuốc uống. Kết quả, sau vài tháng điều trị, bà H. có triệu chứng bí tiểu, khó tiểu, thậm chí 2 - 3 ngày không đi tiểu được.

Bà đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ kết luận suy thận và chuyển lên tuyến trên điều trị. Bác sĩ cho biết bà H. bị suy thận cấp, thận có dấu hiệu teo và khả năng phải lọc máu chu kỳ rất lớn vì chức năng của thận đã bị suy giảm trầm trọng.

Theo bác sĩ Dũng, chỉ tính riêng Khoa Thận Tiết niệu, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Thường những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn do không biết chính xác độc chất trong các thảo dược không rõ nguồn gốc này hoặc do hóa chất sao tẩm và bảo quản thuốc. Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng suy thận của người bệnh.

Nếu bệnh nhân bị nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Song có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề, có thể là suy thận mạn tính…Nhất là những bệnh nhân đã có bệnh lý thận từ trước đó.

Tình trạng sử dụng thuốc nam tùy tiện đang diễn ra rất phổ biến vì quan điểm những loại thuốc này là 'lành tính', nếu không chữa được bệnh thì cũng không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân thường tự ý sử dụng thuốc đông y, lá cây, con vật có trong tự nhiên… dẫn đến bị ngộ độc, suy thận, suy đa tạng…

Không chỉ riêng Khoa Thận Tiết niệu, mà Trung tâm Chống độc, Khoa Thận Nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai cũng thường phải điều trị cho những ca bệnh do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Y học cổ truyền cũng có bài thuốc có tác dụng trong việc tán sỏi nhưng cần có chỉ định bác sỹ chuyên khoa đông y có kinh nghiệm và những vị thuốc đã được nghiên cứu chứ không phải dùng tạp nham các loại thảo dược.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!