Mùa đông, sử dụng bỉm cho trẻ như thế nào để không bị hăm da?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hầu hết các mẹ đều sử dụng bỉm cho trẻ nhỏ, nhưng việc dùng nhiều, dùng suốt có thể khiến trẻ bị hăm da, đặc biệt là trong mùa đông.

Sản phẩm không thể thiếu của bà mẹ hiện đại

Đã qua rồi cái thời, các bà mẹ phải thức khuya, dậy sớm 'xi' con tè hoặc vất vả thay giặt đồ cho con thường xuyên. Ngày nay, bà mẹ hiện đại đã có rất nhiều 'trợ thủ đắc lực' hỗ trợ việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thuận lợi hơn, một trong số đó chính là bỉm giấy.

Chị em có thể dễ dàng mua tã bỉm ở bất kỳ một đại lý, cửa hàng đồ tiện ích cho gia đình với giá thành hợp lý, chất lượng, mẫu mã cũng vô cùng phong phú. Với các sản phẩm bỉm giấy sản xuất đại trà, dùng một lần bỏ đi, cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu vì được ngủ ngon giấc, tiện dụng khi đi xa và bất kỳ ai cũng có thể thay tã giúp bé chứ không nhất thiết phải là mẹ.

Thói quen lạm dụng bỉm quanh năm

Chính vì bỉm có nhiều tiện ích như vậy nên nhiều bà mẹ sinh ra lạm dụng, coi đây là vật bất ly thân trong suốt giai đoạn nuôi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều gia đình cho trẻ dùng tã 24 giờ trong suốt nhiều năm, mùa hè cũng như mùa đông. Mùa hè nóng bức, nhiều bà mẹ ngần ngại khi dùng bỉm cho con, nhưng không dùng thì con bẩn, nhà bẩn và cuối cùng là mẹ thêm bận rộn nên cứ dùng bỉm rồi bật điều hòa, bật quạt cho con mát cũng chẳng sao.

Mùa đông, sử dụng bỉm cho trẻ như thế nào để không bị hăm da?

Hầu hết mọi đứa trẻ đều được đóng bỉm (Ảnh minh họa: Internet)

Đến mùa đông, thời tiết giá rét các bà mẹ lại càng có cớ để dùng bỉm nhiều hơn. Với lý do đóng bỉm vừa giúp con ấm, sạch, không bị bẩn ướt quần áo, ga gối chăn đệm cũng không dính cảnh thay giặt hàng ngày nên các mẹ càng tích cực cho con dùng bỉm thường xuyên.

Những ảnh hưởng khi trẻ dùng bỉm lâu ngày

Tưởng chừng bỉm là người bạn đồng hành của mẹ và bé nhưng thực chất sản phẩm nào khi lạm dụng cũng đều trở thành 'con dao hai lưỡi'. Dưới đây là 1 số ảnh hưởng thường gặp ở trẻ dùng bỉm lâu ngày:

- Trẻ có thói quen 'tè dầm': Đóng bỉm trong một thời gian dài, suốt cả ngày, trẻ thường có thói quen xấu là tự mình đi vệ sinh ngay tại bỉm mà không chủ động thông báo cho bố mẹ. Nhiều trẻ khi lớn lên thường mắc chứng tè dầm hoặc tiểu không kiểm soát do mất đi phản xạ đi vệ sinh.

- Hăm tã, khô da: Trẻ dùng bỉm phải đối mặt với nguy cơ hăm da là điều dễ gặp. Tình trạng hăm da có thể nhẹ hoặc nặng do cơ địa của trẻ hoặc do tác nhân gây ra như bỉm có chứa chất gây dị ứng, cha mẹ không vệ sinh sạch sẽ khi thay bỉm cho bé…

- Mắc bệnh vùng sinh dục: Bé gái hay bé trai khi đóng bỉm lâu, dài ngày, hoặc dùng bỉm không đảm bảo vệ sinh đều có thể mắc viêm da tiếp xúc (da ở bẹn, mông, bộ phận sinh dục) hoặc nhiễm khuẩn đường tiểu.

Mẹ thông thái cho con dùng bỉm đúng cách

Việc dùng bỉm là điều cần thiết và tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ cần cho con dùng đúng cách và thông minh:

Mùa đông, sử dụng bỉm cho trẻ như thế nào để không bị hăm da?

Bố mẹ cần lưu ý dùng bỉm cho trẻ hợp lý để trẻ không bị ảnh hưởng (Ảnh minh họa: Internet)

- Chọn mua các loại bỉm có thương hiệu rõ ràng, đã được kiểm định. Không mua bỉm, tã trôi nổi trên thị trường.

- Chọn bỉm phù hợp với kích cỡ, cân nặng của trẻ. Không mua bỉm quá chật hoặc quá rộng đều khiến trẻ kém thoải mái, khả năng thấm hút mất tác dụng.

- Dù mùa đông hay mùa hè, các mẹ cũng chỉ nên đóng bỉm khi bé ngủ nhằm giúp bé có giấc ngủ ngon. Khi bé chơi, thức mẹ nên để bé được khô thoáng và càng sớm dạy trẻ cách thức thể hiện nhu cầu đi vệ sinh, biết gọi người lớn hoặc dùng bô.

- Chỉ nên cho trẻ dưới 24 tháng dùng bỉm, trẻ càng lớn càng cần áp dụng các biện pháp 'cai' bỉm.

- Vào mùa đông, để hạn chế chăn đệm bị bẩn, các gia đình có thể dùng tấm lót đệm bằng nilon để hạn chế tình trạng ướt bẩn nếu trẻ tè đêm. Cứ 4 tiếng nên thay bỉm cho trẻ, trước khi đóng bỉm mới cần vệ sinh khô thoáng vùng da bẩn, bôi kem dưỡng ẩm chuyên dụng cho trẻ nhỏ để hạn chế tình trạng hăm tã.

- Khi thấy trẻ dùng bỉm có các biểu hiện da mẩn ngứa, đỏ rát cần kiểm tra chất lượng bỉm, quy cách đóng bỉm đã đúng chưa hoặc đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!