Mùa hè trẻ dễ ốm, phòng ngừa sao?

Làm mẹ - 04/25/2024

Không sử dụng điều hòa quá lạnh, quạt thổi thẳng vào người; hạn chế thức ăn nhiều đường, trái cây quá ngọt, thức ăn quá béo.

Thời tiết nắng nóng, oi bức là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe như say nắng, cảm do thay đổi nhiệt độ khi di chuyển từ chỗ nắng nóng vào phòng máy lạnh và ngược lại. Mùa nóng cũng dễ dẫn đến các bệnh viêm mũi họng, viêm phổi, tiết nhiều mồ hôi gây rôm sẩy, chốc lở, nhiễm trùng da..., bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, ngộ độc thức ăn. Các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, viêm não... cũng tăng mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 đưa ra một số lời khuyên để chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngày hè.

Hạn chế nước uống, thức ăn quá lạnh

Thời tiết nóng làm người khó chịu, mất nhiều mồ hôi gây ra khát. Do đó cần cung cấp đủ nước để giải nhiệt, đồng thời đảm bảo các chức năng bình thường của cơ thể. Mọi người có xu hướng dùng nước uống, thức ăn thật lạnh cho đã khát. Đồ lạnh là nguyên nhân làm cho siêu vi và vi trùng ở vùng hầu họng phát triển gây viêm hô hấp trên, sốt siêu vi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản... Để phòng bệnh, phải hạn chế uống nước đá quá lạnh. Nếu quá khát và nóng thì hãy dùng một ít nước lọc để mát và pha thêm nước thường để bớt độ lạnh hơn.

Không nên ăn rau, trái cây ngay sau khi lấy ra từ tủ lạnh

Cần tăng cường ăn rau và trái cây tươi vì đây là những thức ăn giàu nước, là cách bù nước hiệu quả trong mùa nóng, đồng thời cung cấp nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng nhưng cũng không nên để trong tủ lạnh lấy ra ăn ngay.

Mùa hè trẻ dễ ốm, phòng ngừa sao?

Không nên để quạt thốc thẳng vào người trẻ. Ảnh: theeducational

Thay đổi nhiệt độ đột ngột từ bên ngoài trời quá nóng đến vào trong phòng quá lạnh cũng là nguyên nhân gây bệnh. Máy lạnh làm cơ thể mất nước nhiều hơn. Không nên để máy lạnh quá lạnh, phải thay đổi nhiệt độ trong phòng dần dần để cơ thể thích nghi. Để quạt xoay chứ không đứng yên một chỗ và thốc thẳng vào người.

Thay nước ngọt bằng nước khoáng, chanh muối

Nếu ra quá nhiều mồ hôi thì có thể phải bù lại lượng khoáng bị mất để cơ thể đỡ mệt bằng nước giải khát có khoáng (thường sử dụng sau khi tập thể thao) hay một cốc chanh muối. Cần hạn chế các loại nước ngọt vì làm khát hơn và dễ viêm họng. Trẻ nhỏ không nên uống các loại nước mát có tính lợi tiểu cao vì làm mất nước nhiều hơn.

Phòng ngừa rôm sảy, nhiễm trùng da

Mùa hè cũng là lúc trẻ dễ bị rôm sảy và nhiễm trùng da do đổ mồ hôi quá nhiều. Cần cung cấp đủ nước cho cơ thể và tắm gội hằng ngày tránh để ngứa ngáy, khó chịu do bụi, mồ hôi ứ đọng. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và hút mồ hôi, thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi, nhất là ở những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm.

Nên chú ý cắt ngắn móng tay cho trẻ, rửa tay thường xuyên để giữ vệ sinh tốt và hạn chế bệnh. Nếu đi ra ngoài thì nên che chắn cơ thể kỹ với mũ rộng vành, áo khoác và găng tay để tránh mất quá nhiều mồ hôi và bị hại da bởi nắng gắt. Đây cũng là biện pháp chống say nắng.

Phòng ngừa bệnh tiêu hóa

Thời tiết mùa hè là điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh khiến thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu và gây ra ngộ độc thức ăn. Độc tố của vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát tác trong khoảng 12-36 giờ và các triệu chứng gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Khi tiêu chảy hay nôn ói, việc bù đủ lượng nước mất đi là rất quan trọng. Cho trẻ uống dung dịch oresol bằng thìa, uống chậm sẽ hiệu quả. Trong trường hợp bị nặng, trẻ khát nước nhiều, nôn ói nhiều, không uống được, mệt hay phân có máu thì nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bảo đảm thực phẩm an toàn là điều rất quan trọng, đồng thời phải hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, không nên đưa trẻ tới chỗ đông người khi không thực sự cần thiết. Để phòng bệnh tiêu chảy, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu và bú mẹ kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn nữa để trẻ có các kháng thể bảo vệ từ mẹ. Cung cấp cho trẻ đầy đủ các loại vitamin và các loại nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, acid folic... qua thức ăn đa dạng và tươi mới. Quan trọng hơn cả là phải chú ý tới việc chế biến, bảo quản thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất, ôi thiu và nguồn nước cũng phải được bảo đảm vệ sinh. Rửa tay thường xuyên trước khi chế biến thức ăn, trước khi chăm sóc trẻ cũng như tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn.

Bác sĩ Thu Hậu khuyến cáo, trong mùa nóng, nên hạn chế sử dụng thức ăn nhiều đường, trái cây quá ngọt, cũng như thức ăn quá béo gây dư năng lượng sẽ mệt mỏi hơn. Hạn chế các món chiên xào, nhiều gia vị gây kích thích khó chịu. Vẫn nên duy trì sữa và các chế phẩm sữa cho trẻ, vừa cung cấp nước, vitamin, chất khoáng cần thiết, vừa giúp duy trì tốc độ tăng trưởng. Có thể chế biến thành nhiều món ăn mát, hấp dẫn để trẻ cảm thấy thú vị hơn, ví dụ yaourt trái cây, sinh tố...

Những bệnh nào đã có thuốc chủng ngừa thì nên dùng cho trẻ để chủ động phòng tránh trước. Khi trẻ bị bệnh, trẻ cần được theo dõi kỹ, vẫn cho trẻ ăn uống đầy đủ và có chế độ ăn thích hợp với bệnh, cho trẻ đi khám bác sĩ sớm và tái khám đúng hẹn để việc điều trị có kết quả nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!