Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, nhất là vào mùa hè cơ thể của trẻ chưa đáp ứng được sự điều tiết của nhiệt độ bên ngoài do hệ thần kinh và hệ nội tiết của trẻ em chưa hoàn thiện. Sốt gây nhiều tác hại cho cơ thể trẻ, có thể gây co giật, thậm chí tử vong, vì vậy các bậc cha mẹ cần phát hiện và có những biện pháp xử lý đúng, kịp thời khi trẻ sốt.
Sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt trên 37,5 độ C. Khi nhiệt độ từ 37,5 - 38,5 độ C là sốt nhẹ; từ 38,5 - 39 độ C là sốt vừa; 39 - 40 độ C là sốt cao; hơn 40 độ C là sốt rất cao.
Mùa hè, trẻ dễ bị sốt cao do cơ thể chưa điều hòa tốt thân nhiệt (Ảnh minh họa: Internet)
Sốt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng phần lớn là do vi khuẩn, vi-rút. Do cơ thể của trẻ chưa thích nghi ngay với môi trường tự nhiên nên khi nhiệt độ thay đổi, thời tiết nóng bức, trẻ thường ra nhiều mồ hôi dẫn đến cơ thể dễ bị mất nước. Nếu lượng nước bù vào không đủ thì trẻ dễ bị sốt và khi sốt cao dẫn đến tình trạng co giật, thiếu máu não hoặc tổn thương các tế bào thần kinh dẫn tới hôn mê hoặc tử vong.
Nếu khỏi sau này hay để lại di chứng tổn thương thần kinh (động kinh, giảm trí nhớ). Sốt cao làm mất nước, cô đặc máu, gây rối loạn nước và điện giải, rối loạn huyết động, nhiễm toan chuyển hóa. Sốt cao từ 40-41 độ C có thể gây rối loạn đông máu, làm giảm các yếu tố đông máu.
Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển nhanh và xâm nhập cơ thể trẻ gây viêm qua da và xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Khi bị tiêu chảy, trẻ vừa mất nước, vừa mất điện giải (clo, natri, kali...) và nếu bị nặng trẻ dễ bị sốc, bị trụy mạch và có thể dẫn đến tử vong.
Xử lý đúng cách và kịp thời khi trẻ sốt
Có thể dùng khăn lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh hay quá nóng (Ảnh minh họa: Internet)
Khi trẻ bị sốt, trước hết các bậc cha mẹ cần giúp trẻ tăng cường sự thải nhiệt của cơ thể như cởi bớt quần áo, giảm nhiệt độ trong phòng nếu quá nóng bằng cách mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt thông gió. Cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ lớn có thể uống tùy thích, trẻ nhỏ chưa biết đòi phải chủ động cho trẻ uống thêm hoặc pha thêm nước vào lượng sữa, tăng các bữa bú cho trẻ. Có thể cho trẻ uống nước hoa quả như nước chanh, nước cam, nước oresol.
Để tăng thải nhiệt có thể đắp khăn mát vùng trán và bẹn cho trẻ. Dùng khăn ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát.
Mùa hè khi trẻ sốt vẫn cần được tắm rửa, gội cả đầu bằng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 3-4 độ C trong vòng 10-15 phút.
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần cho trẻ dùng các thuốc hạ nhiệt. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên nên dùng cho trẻ em thuốc paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô... Vì đây là thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường sẽ có tác dụng hạ sốt 30 phút sau khi sử dụng và kéo dài từ 4 - 6 giờ, ít tác dụng phụ.
Cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 - 15mg/kg/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3 - 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày. Có thể dùng đường uống hoặc hậu môn nếu trẻ không uống được nhưng hấp thu qua đường hậu môn thường chậm hơn.
Tuy nhiên khi trẻ bị sốt, ngoài dùng thuốc hạ sốt và các biện pháp hạ nhiệt như trên các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các thầy thuốc chuyên khoa phát hiện sớm nguyên nhân sốt và xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc về điều trị.
ThS. Khiếu Thị Nhung
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!