Tránh nước mưa
Khi đi ra ngoài trời mưa, bạn nên nhớ mang theo áo mưa hoặc ô dù, tránh dầm mưa quá lâu, phòng cảm lạnh. Đặc biệt đối với những người phải làm việc ngoài trời, cần mặc áo mưa và có các dụng cụ bảo hộ. Ngoài ra, nên đi giày dép thoáng khí, tránh đi giày ẩm ướt dễ bị nhiễm nấm chân.
Trong trường hợp cơ thể bị dính nước mưa, nước ngập bẩn, sau khi về nhà, nên lau khô người, hoặc tắm nước ấm, thay quần áo ướt để vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, cảm lạnh. Bạn có thể ăn một chén canh, súp nóng hoặc uống một cốc sữa nóng để cân bằng nhiệt độ cơ thể.
Ngoài ra, đối với những người có tiền sử bệnh xương khớp, để phòng bệnh trong những ngày mưa, nên tránh ra ngoài trời mưa lạnh và thường xuyên tập luyện thể thao trong nhà.
Ở những vùng ngập lụt, mưa bão điều kiện vệ sinh không đảm bảo rất dễ mắc nhiều bệnh (Ảnh minh họa: Internet)
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, thương hàn chủ yếu là do sử dụng nguồn nước bẩn, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, tay bị nhiễm khuẩn, do ruồi, nhặng, vi trùng sinh sôi, gây nhiễm bẩn thức ăn. Do đó, người dân cần giữ vệ sinh ăn uống: thực hiện ăn chín, uống sôi, các dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch để khô ráo, bảo quản tốt thức ăn đã nấu chín, không ăn các thức ăn đã bị ôi thiu, chưa được nấu chín.
Đặc biệt cần đảm bảo sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi lao động để tránh lây lan các bệnh đường ruột.
Tiết kiệm nước sạch và tự làm sạch nước
Mưa bão, ngập lụt rất dễ gây ô nhiễm nguồn nước và dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Cần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt trong, sạch, được xử lý vệ sinh sạch sẽ. Do đó, người dân cần sử dụng tiết kiệm nước để tránh tình trạng thiếu nước sạch, phải sử dụng nguồn nước bẩn, ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Hơn nữa, người dân cũng cần biết một số cách làm sạch nước đơn giản như làm trong nước bằng phèn chua, khử trùng nước bằng viên cloramin B, cloramin T, viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng.
Bảo đảm vệ sinh môi trường
Thường xuyên dọn dẹp và giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh để tránh bụi bẩn và vi khuẩn.
Sau mưa lũ, môi trường dễ bị ô nhiễm do rác thải, bùn đất, xác động vật chết. Cần tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nơi ở, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải, cây cối, xác động thực vật đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Thực hiện diệt muỗi, diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.
Chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp
Để tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm, bạn nên chọn những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và các chất chống ôxy hóa như trái cây, rau xanh, các thịt, cá, trứng, sữa, các loại quả hạch, ngũ cốc. Đặc biệt, nên bổ sung vitamin C giúp củng cố hệ miễn dịch trong cơ thể, đánh bại những triệu chứng bệnh cảm, cúm.
Cần vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ sau mưa lũ để loại bỏ mầm bệnh (Ảnh minh họa: Internet)
Đồng thời nên ngủ đủ giấc, uống nhiều nước để loại thải bớt những độc tố tích tụ trong cơ thể, hạn chế tình trạng tiết nhiều dịch nhầy trong trường hợp đang mắc bệnh cảm cúm.
Luôn dự trữ thuốc men
Người dân nên chuẩn bị một số thuốc thiết yếu để sử dụng trong mùa mưa bão như thuốc rối loạn tiêu hóa, thuốc hạ sốt thuốc nhỏ mắt, các dung dịch sát trùng thông thường, thuốc trị các chứng nấm chân tay, viêm loét da, dầu gió, bông băng, cao dán,… để ở nơi cao ráo, không có nguy cơ bị ngập nước.
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tránh lây lan
Cần kịp thời phát hiện, điều trị đúng cách và dứt điểm các bệnh cơ nguy cơ lây lan thành dịch như bệnh tiêu chảy, tả, thương hàn, đau mắt đỏ, bệnh đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm,…
Mai Hồ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!