Mùa mưa sắp đến, chống sốt xuất huyết thế nào?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả trong mùa mưa.

Bệnh sốt xuất huyết do trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti gây ra. Vi rút lây truyền sang người qua vết cắn của muỗi cái bị nhiễm vi rút. Sau 4-10 ngày từ khi hút máu của người bị bệnh, muỗi bị nhiễm vi rút gây bệnh sốt xuất huyết đã có khả năng lây truyền virus trong suốt vòng đời còn lại của mình.

Bệnh sốt xuất huyết lây lan như thế nào?

Ở Việt Nam, các gia đình, nhất là trẻ con, có nguy cơ bị sốt xuất huyết cao nhất vào mùa mưa, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đông người. Môi trường sống ở các thành phố hiện nay dễ lây lan các loại bệnh truyền nhiễm khi tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng do lượng chất thải công nghiệp và sinh hoạt ngày càng gia tăng. Khi trời mưa, ô nhiễm môi trường cùng với các ao, vũng nước tù đọng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, trung gian chính truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh lý giống như bệnh cúm, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn, nhưng hiếm khi gây tử vong.

Dấu hiệu chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết bao gồm người bệnh bị sốt cao (40 ° C) đi kèm với 2 trong số các triệu chứng sau đây:

  • Nhức đầu dữ dội;
  • Đau sau hốc mắt;
  • Đau nhức cơ bắp và xương khớp;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Sưng hạch cổ hoặc nổi ban đỏ.

Các triệu chứng này thường kéo dài từ 2-7 ngày, sau khi người bệnh bị muỗi đã nhiễm bệnh đốt từ 4-10 ngày.

Sốt xuất huyết là một bệnh lý nghiêm trọng có khả năng gây chết người do cơ thể của người bệnh có thể xuất hiện tình trạng thoát huyết tương, tích tụ dịch, suy hô hấp, xuất huyết nặng, hoặc suy tạng. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng hơn từ 3-7 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên kể trên kết hợp với việc bị giảm thân nhiệt (dưới 38 ° C) cùng các triệu chứng khác như:

  • Đau bụng dữ dội;
  • Ói mửa liên tục;
  • Thở gấp;
  • Chảy máu chân răng;
  • Mệt mỏi;
  • Bồn chồn;
  • Nôn ra máu.

24-48 giờ tiếp theo sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể bị tử vong; người bệnh cần được chăm sóc y tế thích hợp để tránh gặp phải các biến chứng dẫn đến nguy cơ tử vong.

Nếu con bạn xuất hiện các triệu chứng kể trên, bạn không được tự chăm sóc và chữa bệnh cho con ở nhà khi bạn chưa xác định được tình trạng và bệnh lý mà con bạn đang gặp phải. Nếu bạn thấy con mình xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bạn nên đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra và chuẩn đoán kĩ càng hơn.

Điều trị sốt xuất huyết như thế nào?

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh sốt xuất huyết. Trong một số trường hợp bị sốt xuất huyết nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách cho uống thật nhiều nước để tránh mất nước và nghỉ ngơi thật nhiều. Thuốc giảm đau acetaminophen có thể giúp bệnh nhân giảm bớt những cơn đau và đau đầu. Bệnh nhân nên tránh dùng thuốc giảm đau mà thành phần có chứa aspirin hoặc ibuprofen, vì aspirin hoặc ibuprofen có thể làm máu chảy nhiều hơn.

Để điều trị các trường hợp bị sốt xuất huyết nặng hơn, tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ truyền thêm nước và chất điện giải (nước muối) vào tĩnh mạch (IV) để bổ sung các chất lỏng bị mất đi do người bệnh bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Truyền nước càng sớm càng tốt có khả năng giúp điều trị dứt điểm bệnh sốt xuất huyết. Trong những trường hợp nặng hơn, các bác sĩ có thể phải truyền máu để thay thế lượng máu đã bị mất của bệnh nhân.

Cách bảo vệ con bạn tránh sốt xuất huyết

WHO đưa ra các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết sau đây:

  • Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ để tránh muỗi đẻ trứng trong khu vực sống;
  • Xử lý chất thải rắn đúng cách và loại bỏ các môi trường sống nhân tạo tạo điều kiện cho muỗi ở và đẻ trứng;
  • Che, đổ và làm sạch các thùng chứa nước sinh hoạt hàng tuần;
  • Dùng các loại thuốc diệt côn trùng phù hợp để lưu trữ nước trong các thùng chứa nước ngoài trời;
  • Sử dụng các vật dụng bảo hộ cá nhân tránh muỗi như màn mùng, quần áo dài tay, kem chống muỗi và bình xịt muỗi;
  • Kêu gọi và huy động cộng đồng và xã hội cùng tham gia phòng ngừa lây lan sốt xuất huyết;
  • Phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng xung quanh khu vực sống là một trong những biện pháp khẩn cấp để tránh lây truyền sốt xuất huyết vào mùa cao điểm lây nhiễm sốt xuất huyết;
  • Theo dõi và giám sát để xác định và có các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!