Đây là điều hoàn toàn sai lầm. PGS. Khanh cho rằng, cần để bệnh nhân tích cực làm tối đa phần tập của mình thì mới có thể đạt kết quả tốt.
Nhận biết đột quỵ: Chú ý các dấu hiệu ở mặt, tay, giọng nói
ThS.BS Phan Thảo Nguyên - Trưởng khoa Nội tim mạch, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch - Trung tâm tim mạch BV E cho biết, khi một người đang ngồi nói chuyện thấy méo miệng, liệt nửa người, đau đầu… thì cần nghĩ ngay đến đột quỵ. Hoặc trên nền bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường thì cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ này vì đó là nguyên nhân gây nên đột quỵ.
Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Tổ chức Đột quỵ thế giới đã đưa ra các dấu hiệu đột quỵ ở: Mặt, tay, lời nói khi có dấu hiệu nghi ngờ cần phải khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo thời gian vàng, cần thiết phải trước 4,5 tiếng sau khi xảy ra biến cố đột quỵ.
F - Face: Méo mặt, miệng lệch, mắt lệch
A - Arm: Một bên tay yếu, khó cử động
S – Speak: Bệnh nhân có thể nói hơi khó, không nói được, không hiểu lời nói
T – Time: Ngay lập tức phải gọi ngay cho cấp cứu 115 và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể chữa được đột quỵ.
ThS.BS Phan Thảo Nguyên.
BS. Thảo Nguyên nhấn mạnh, với bệnh nhân đột quỵ thì “thời gian là não”, “thời gian là vàng”, cho nên cần sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ kịp thời cứu chữa.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện chỉ có 5-6% bệnh nhân đột quỵ đến các bệnh viện trong “giờ vàng”, tỉ lệ tử vong chiếm 30-50%. Đây là điều hết sức đáng tiếc…
Hiện nay có nhiều phương pháp có thể chữa bệnh đột quỵ như dùng thuốc tiêu sợi huyết, nếu huyết khối nhiều có thể dùng dụng cụ can thiệp lấy huyết khối, đặt stent, mổ...
Số bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng cao, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ.
Trong đó, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Bác sĩ cũng lưu ý, đối với những người đột quỵ tái phát, đột quỵ rồi mà mắc lại thì thường rất nặng nề, có thể tử vong. Do đó, đối với những người có đột quỵ lần đầu, chắc chắn phải được đưa vào chế độ kiểm soát đặc biệt về tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa của người bệnh... để đưa bệnh lý về trong mức bình thường và điều trị thuốc phải hết sức chỉn chu cho họ.
Phục hồi chức năng giảm di chứng cho bệnh nhân đột quỵ
Bệnh nhân đột quỵ sau điều trị thường phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng. PGS.TS Lương Tuấn Khanh cho rằng, ngày nay, việc phát hiện, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đột quỵ do các chuyên ngành cấp cứu, tim mạch, thần kinh phát triển tốt đã giúp nâng cao tỉ lệ bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não cấp tính.
Song, điều này cũng đồng nghĩa với số lượng bệnh nhân di chứng cao, đòi hỏi phải phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng giúp phòng ngừa biến chứng do hậu quả của việc tổn thương thần kinh, bệnh nhân từ chỗ nằm liệt, liệt vận động có thể vận động và đi lại được; phục hồi chức năng giúp bệnh nhân không bị teo cơ, viêm phổi, loét…
Bên cạnh đó, giảm di chứng thần kinh do đột quỵ gây nên, bệnh nhân độc lập hơn so với tối đa tổn thương của họ, giúp chất lượng sống tốt hơn, giảm gánh nặng cho xã hội – chuyên gia phục hồi chức năng nói rõ.
PGS.TS Lương Tuấn Khanh.
PGS. Khanh cũng nhấn mạnh, kết quả phục hồi của bệnh nhân sau đột quỵ não phụ thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn: bệnh nhân được cấp cứu sớm, điều trị đúng phương pháp chưa, tổn thương ở vị trí nào, vùng tổn thương lớn hay bé…
Với bệnh nhân đột quỵ não được cấp cứu kịp thời, đúng cách (bằng các phương pháp như: tiêu sợi huyết, lấy cục máu đông,…) và được phục hồi chức năng kịp thời, đúng phương pháp, đúng thời điểm thì có thể vận động khá khả quan (70-80% bệnh nhân đi lại được ở mức độ khác nhau); vấn đề về tay thì vẫn còn khiêm tốn (20-30% so với trước kia)…
'Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng việc phục hồi chức năng cần chờ đợi một thời gian vì sợ tái phát hay không, nhưng hiện nay các nhà khoa học khuyến cáo cần phải tiến hành phục hồi chức năng sớm, thậm chí tiến hành ngay cả phòng hồi sức cấp cứu'- PGS. Khanh cho biết thêm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!