Muốn trẻ giỏi toán, mẹ cần làm ngay điều này

Gia đình và thai kỳ - 11/24/2024

Hello Bacsi chia sẻ cùng bạn 4 phương pháp đơn giản để phát triển các kỹ năng toán học của trẻ ngay từ tuổi mẫu giáo.

Lập luận không gian là khả năng tưởng tưởng ra các hình dạng và định hướng vị trí trong không gian của mỗi người. Những kỹ năng này giúp trẻ học được các môn toán, khoa học và kỹ thuật. Cho trẻ tập chơi các trò chơi như đố vui có thể giúp cải thiện kỹ năng lập luận không gian cho con dần dần theo thời gian.

Nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp đơn giản để phát triển các kỹ năng toán học ở trẻ mẫu giáo. Tương tự như vậy, các bậc cha mẹ cũng có thể nuôi dưỡng các kỹ năng không gian cho trẻ. Dưới đây là những lời khuyên nhỏ giúp bạn phát triển các kỹ năng toán học của trẻ, bạn nhớ áp dụng khi chơi một trò chơi ô chữ hoặc xếp hình với con nhé.

Sử dụng đúng từ ngữ

Trẻ em mầm non nghe cha mẹ dùng các thuật ngữ để mô tả kích thước và hình dạng của các đối tượng trong không gian, và sau đó bắt chước dùng y chang các từ ngữ đó. Các từ ngữ mô tả không gian bao gồm:

  • Các từ ngữ mô tả hình dạng, chẳng hạn như “tròn”, “vuông”, “góc” và “cạnh thẳng”;
  • Các từ ngữ mô tả vị trí và đặc điểm không gian, chẳng hạn như “trên”, “dưới”, “nhỏ” và “lớn”.

Bạn hãy chọn cho trẻ chơi các trò chơi yêu cầu trẻ phải sử dụng các thuật ngữ mô tả không gian, chẳng hạn như xếp hình hoặc chơi đố vui. Những hoạt động này giúp trẻ có cơ hội nói và thực hành các mô tả hình dạng và vị trí trong không gian của các sự vật, hiện tượng.

Bạn cũng có thể sử dụng thuật ngữ không gian trong các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như khi cắt rau để chuẩn bị nấu ăn.

Sử dụng cử chỉ

Bạn hãy dùng các cử chỉ khi mô tả không gian để giúp trẻ cải thiện vốn từ. Ví dụ, khi miêu tả cho trẻ một không gian “thẳng đứng”, bạn hãy di chuyển bàn tay của bạn lên và xuống theo chiều dọc. Hoặc mô tả hình dáng một sự vật trông như thế nào bằng cách vẽ bằng tay trong không khí cho con tự tưởng tượng. Khi bạn dùng các cử chỉ, trẻ sẽ lần theo những gợi ý mà bạn đưa ra để hiểu được ý nghĩa của những từ này.

Không ngừng khuyến khích và động viên con

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc khen ngợi những nỗ lực của trẻ giúp trẻ hình thành động lực bên trong để tiếp tục tìm hiểu và học hỏi. Bạn nên khen ngợi con đúng cách và thích hợp với hoàn cảnh. Bạn đừng nói “Con giỏi giải đố rồi.” Đây là loại khen ngợi chỉ tập trung vào kết quả và hàm ý rằng thành công của trẻ là kết quả của khả năng bẩm sinh, không cần phải nỗ lực. Đến khi con bạn không thể giải được một câu đố khó, trẻ dễ trở nên chán nản. Thay vào đó, bạn hãy nói với con: “Con đã cố gắng rất nhiều, cuối cùng con đã giải được câu đố khó như thế này, con giỏi lắm!” hoặc “Câu đố đó rất là khó trả lời, con đã tự cố gắng và nỗ lực để tìm ra cách giải đố, con giỏi lắm!”.

Chú ý đến khả năng của trẻ

Các trò chơi cần mang tính thử thách đủ để hấp dẫn trẻ học một cái gì đó mới, nhưng không nên quá khó dễ làm trẻ thấy thất vọng. Khi bạn thấy con đã tự tin hơn với khả năng của bé, bạn hãy để trẻ chơi các trò chơi có mức độ khó cao dần như ghép hình từ ít đến nhiều mảnh ghép hơn.

Nói tóm lại, khả năng hỏi và tưởng tượng của trẻ con là vô cùng vô tận. Bạn hãy luôn chú ý những điều này để con bạn luôn được tự do trong thế giới đầy màu sắc của bé:

  • Chơi các trò chơi phát triển khả năng không gian có thể giúp phát triển các kỹ năng toán học của trẻ mẫu giáo;
  • Sử dụng những từ mô tả hình dạng, kích thước, vị trí và các thuật ngữ có liên quan đến không gian khác khi nói chuyện với con bạn;
  • Hãy dùng cử chỉ để giải thích cho con bạn nghĩa của các từ mô tả không gian;
  • Cho trẻ chơi các trò chơi có tính thử thách.

Hãy đọc thêm những cách giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ của con bạn với 7 cách phát triển khả năng song ngữ của trẻ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!