Sáng 20/5, theo báo cáo của BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, tỷ lệ đông đặc phổi của nam bệnh nhân 91 đã giảm xuống còn gần 80%, trước đó 2 lá phổi gần như xơ cứng, chỉ còn 10% hoạt động. Tình hình nhiễm trùng của bệnh nhân tương đối khống chế được tạm ổn bằng kháng sinh.
Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bệnh nhân hiện nay tất cả đều âm tính, xét nghiệm lại tại Viện Pasteur cũng cho kết quả tương tự. Đến nay, bệnh nhân 91 đã có 10 ngày liên tục âm tính với virus SARS-COV-2 và đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Kết quả chụp CT não không thấy tổn thương nghi ngờ nhồi máu, xuất huyết não, bệnh nhân này sắp được chuyển sang BV Chợ Rẫy điều trị hồi sức tích cực.
Bệnh nhân hiện vẫn đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, chức năng phổi cải thiện, đang tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng, sự sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Với việc liên tục âm tính 10 ngày liên tiếp với SARS-COV-2, các chuyên gia cho rằng có thể nói bệnh nhân đã hết Covid-19, bước tiếp theo của ngành y tế là điều trị khỏi Covid-19 cho nam phi công.
Trước đó vào chiều ngày 19/5, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế cùng các chuyên gia hồi sức, tim mạch lồng ngực, truyền nhiễm, hô hấp... đã hội chẩn với các điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Buổi hội chẩn vào chiều 19/5.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết tại buổi hội chẩn, ngày 18/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khi họp tại Bệnh viện Chợ Rẫy có kết luận là nếu kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân âm tính hoàn toàn thì Bệnh viện Chợ Rẫy nhận bệnh nhân sang theo dõi, điều trị để có thể tiến hành ghép phổi khi đủ điều kiện. Hiện bệnh viện Chợ Rẫy đang sửa lại khu điều trị cho đảm bảo an toàn khi bệnh nhân chuyển sang.
Liên quan đến kinh phí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Hội Doanh nhân trẻ và nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị và ghép phổi cho bệnh nhân này.
Đây là ca nhiễm bệnh nặng nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại khi liên tục rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng. Ngành y tế đang nỗ lực hết sức để cứu chữa cho nam phi công. Các chuyên gia cùng thống nhất việc ghép phổi chỉ được tiến hành khi bệnh nhân đảm bảo về sức khoẻ và các yếu tố liên quan đạt yêu cầu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!