Hiện trên thế giới, tỷ lệ mắc nấm do Aspergillus là 14,6 triệu ca, tỷ lệ tử vong là 1,6 triệu ca/năm (tương đương số tử vong do lao, gấp 3 lần tử vong do sốt rét). Rất nhiều quốc gia không đủ nguồn lực để chẩn đoán và điều trị ca bệnh này. Với Việt Nam, hiện nay chưa có báo cáo số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo ước tính, Việt Nam đứng đầu về số ca mắc nấm phổi xâm lấn (ước tính 14.523 ca/năm). Việt Nam cũng là nước có gánh nặng nấm mạn tính thứ 5 trên thế giới, ước tính 55.509 ca. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức cho việc phát hiện và điều trị bệnh.
Bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ra 3 nhóm bệnh: nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mạn tính và dị ứng phế quản phổi do nấm.
Hình ảnh phổi bị nhiễm nấm.
Các triệu chứng lâm sàng của nấm phổi tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh trong nhóm Aspergillus như A. fumigatus, A. flavus, A. niger... Các triệu chứng gợi ý có thể là toàn thân sốt kéo dài, mệt mỏi, sụt cân; ho ra máu, ho khạc đàm có nút nhầy. Khám phổi triệu chứng thường nghèo nàn, có thể nghe ran rít, ran ngáy. Trong trường hợp diễn tiến cấp, bệnh nhân có thể khó thở nhanh, ho khan, đau ngực, sốt cao. Về cận lâm sàng, giá trị nhất là Xquang phổi và soi cấy đàm. Tổn thương trên Xquang rất đa dạng, có thể thấy các hình ảnh như hình hang chứa một khối mờ tròn đường kính 3 - 5cm, phân cách ở phía trên với thành hang bởi một liềm hơi, thường nằm ở thùy trên phổi. Tổn thương dạng khối có thể lầm với ung thư phế quản. Nhìn chung, chẩn đoán bệnh nấm phổi tương đối khó, phải kết hợp yếu tố cơ địa, lâm sàng, hình ảnh Xquang, đôi khi phải chụp CT-Scanner phổi và xét nghiệm nhiều lần. Bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đàm kéo dài kèm khó thở như hen. Cùng với đó là các trường hợp chẩn đoán viêm phổi điều trị kháng sinh kéo dài không khỏi.
Bệnh nấm phổi nếu kéo dài không được điều trị thì các bào tử nấm sẽ lan tràn và gây bệnh cơ quan khác như nấm não - màng não, tổn thương da, viêm cơ, viêm nội nhãn..., thậm chí là nhiễm nấm huyết. Bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc, suy kiệt hoặc biến chứng nặng nề như ho ra máu ồ ạt.
Để phòng bệnh nấm phổi, cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió, tránh ẩm ướt. Những đoạn tường có nấm mốc cần phải cạo đi và phủ bằng sơn chống bám. Không để thực phẩm rơi vãi trong nhà là điều kiện cho nấm sinh sôi phát triển. Khi vệ sinh nhà cửa, cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!