Nắng nóng, hạn hán đe dọa sự sống nhân loại

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Dân số thế giới ngày càng gia tăng, kinh tế phát triển và biến đổi khí hậu khiến nguồn nước sạch đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Những con số báo động

Hơn 70% diện tích Trái đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5 % là nước ngọt, trong khi 97,5% là nước mặn ở các đại dương không sử dụng sinh hoạt được. Trong đó 0,3% nước ngọt nằm trong các sông hồ, 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trong các sông, núi băng.

Các chuyên gia về nước trên thế giới cảnh báo, hiện cứ 3 người trên trái đất có 1 người sống trong tình trạng thiếu nước.

Hiện tại, hơn 80 quốc gia, chiếm khoảng 40% dân số thế giới, đang phải trải qua tình trạng thiếu nước. Các nước Tây Nam Á đối mặt với mối đe dọa lớn nhất với hơn 90% dân số nằm trong khu vực thiếu nước trầm trọng.

Nắng nóng, hạn hán đe dọa sự sống nhân loại

Nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nước ngọt nghiêm trọng

Pakistan hiện đang là một trong những quốc gia khô hạn nhất trên thế giới và lượng nước bình quân đầu người đã giảm từ 5000m3/năm (năm 1947) xuống còn khoảng 1000m3/năm đến hiện nay.

Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cũng đang phải đối mặt với thực trạng thiếu nước.

Theo Viện nước quốc tế Stockholm (SIWI), tình trạng ô nhiễm nước ngày càng gia tăng trên thế giới. Trung bình khoảng 2 triệu tấn rác sinh hoạt đổ ra sông, hồ và biển. Tại các nước đang phát triển, khoảng 70% chất thải công nghiệp không qua xử lý trực tiếp đổ vào các nguồn nước.

Đồng thời, sự cạn kiệt nguồn nước ngầm đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng ở hầu hết tất cả các tầng chứa nước lớn tại các vùng khô cằn và bán khô cằn của trái đất.

Nhu cầu về nước được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 40% vào năm 2050. WHO cảnh báo đến năm 2025, một nửa dân số thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt, nếu các chính phủ thất bại trong việc bảo vệ nguồn nước.

Nhu cầu nước sạch gia tăng, chất lượng nguồn nước suy giảm đang là những thách thức mà nhân loại phải đối mặt.

Nắng nóng, hạn hán đe dọa sự sống nhân loại

Họ buộc phải sử dụng cả nguồn nước bẩn, ô nhiễm

Thiếu nước vì đâu?

Độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh

Dân số tăng càng nhanh thì nhu cầu sử dụng nước càng cao. Đô thị hóa cũng khiến lượng nước dùng cho sinh hoạt tăng vọt.

Sử dụng nước kém hiệu quả

Theo Viện quản lý nguồn nước quốc tế (IWMI), con người là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khan hiếm nước, trong đó có việc sử dụng nước lãng phí và kém hiệu quả. Nước sử dụng trong nông nghiệp hiện chiếm tới 78% lượng nước tiêu thụ, công nghiệp chiếm 18%, trong khi đó lượng nước cho sinh hoạt chỉ có 8%. Điều đó đồng nghĩa với việc, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang rất nghiêm trọng.

Ô nhiễm nguồn nước

Nước phế thải công nghiệp và phế thải sinh hoạt không được xử lý làm ô nhiễm nguồn nước, gây nên tình trạng khan hiếm nước trên thế giới. Tại nhiều nước đang phát triển, có đến 70% lượng chất thải công nghiệp không qua xử lý bị trực tiếp đổ vào các nguồn nước, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt con người.

Biến đổi khí hậu

Trái đất nóng lên làm tan nhanh các dòng sông băng. Hiện tượng này dẫn đến nước biển dâng cao, tầng nước ngọt bị xâm mặn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng.

Nắng nóng, hạn hán đe dọa sự sống nhân loại

Con người đang sử dụng nước một cách lãng phí

Hậu quả

Theo các nhà phân tích, sự khan hiếm nước sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu của con người mà hệ lụy của nó sẽ là đói nghèo, bệnh tật và cả những cuộc xung đột để giành quyền kiểm soát nguồn nước giữa các quốc gia, khu vực.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng hơn 1,6 triệu người trên thế giới  tử vong do không được tiếp cận nguồn nước sạch, 90% trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi và ở các quốc gia đang phát triển. Trên thế giới, cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không phù hợp.

Ngoài ra, khả năng sản xuất lương thực và năng lượng của nhiều quốc gia sẽ bị hạn chế do thiếu nguồn nước ngọt, gây trở ngại lớn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Mặc dù các chính phủ đã có những nỗ lực nhất định trong việc khắc phục tình trạng khan hiếm nước, tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp hiệu quả mang tính toàn cầu. Vì vậy, mỗi cá nhân cần hành động để bảo vệ cuộc sống của chính bản thân và những người xung quanh bằng cách sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước.

Xem thêm:

Trái đất nóng lên đáng sợ như thế nào?

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa: Internet

Mai Hồ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!