Mì ăn liền là món ăn quen thuộc và rất phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên ăn các gói gia vị có trong mì vì lo lắng chúng chứa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Liệu điều này có chính xác?
Có gì trong gói gia vị của mì ăn liền?
PGS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay tùy theo nhà sản xuất, thành phần trong các gói gia vị sẽ khác nhau nhưng chúng đều có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phần chính là muối, mì chính, bột gia vị (gừng, thảo quả,...). Còn gói mỡ được gọi là dầu sa tế, trong quá trình đun dầu, họ cho ớt để tạo độ cay.
PGS.TS Trần Hồng Côn (Giảng viên khoa Hóa, Đại học Tự nhiên Hà Nội) cũng cho rằng chúng ta có thể sử dụng các gói gia vị vì đã được kiểm tra nghiêm ngặt. Riêng gói muối, độ mặn thường được làm theo tiêu chuẩn châu Âu, hợp khẩu vị với người ăn mặn nhất. Do đó, người ăn nhạt có thể điều chỉnh, chỉ nên ăn một nửa gói muối.
Theo các chuyên gia, xét về các thành phần hóa học, gói gia vị không chứa hóa chất hay phụ gia không an toàn. Nhưng trong quá trình ăn, chúng ta nên hạn chế bởi đồ chiên rán có tác động không tốt cho sức khỏe.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng nên hạn chế gói mỡ hành ở trong mì, vì loại mỡ này không có lợi cho cơ thể.
Theo PGS Lâm, hiện người Việt Nam đang ăn mì chưa đúng cách. Ảnh: Notey.
Chúng ta đang ăn mì sai cách?
PGS Lâm khẳng định hiện người Việt Nam đang ăn mì chưa đúng cách. Chuyên gia phân tích mì ăn liền được chiên qua dầu, vì thế lượng chất béo bão hoà (khó tan) khá nhiều. Đây là chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, gây xơ vữa động mạch.
'Chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu mì ăn liền sẽ bất lợi cho sức khoẻ. Nhưng việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hoà sẽ khiến cơ thể thiếu nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, kẽm, chất xơ… Sự thiếu hụt này có hại cho sự phát triển của người trẻ, đồng thời làm giảm hệ miễn dịch và kéo theo nhiều bệnh tật khác', PGS Lâm cho biết.
Do đó, khi chế biến mì ăn liền, chúng ta nên thêm rau xanh, thịt để tăng chất xơ, chất khoáng và vitamin đồng thời, làm cân bằng chất béo, giúp cho cơ thể ít hấp thụ chất béo bão hòa.
>> Xem thêm: Người Việt 'ăn đủ' vì quảng cáo khuếch đại mì ăn liền
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!