Trong 24 giờ qua, Châu Mỹ là khu vực có dịch bệnh phức tạp nhất thế giới khi có thêm hơn 85 nghìn ca mắc mới.
Mỹ và Brazil là hai quốc gia có nhiều ca mắc mới nhất thế giới
Tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, giới chức bang Florida ngày 20-6 cho biết đã ghi nhận thêm hơn 4.000 người dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 19-6, mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây.
Hiện Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc mới nhiều nhất thế giới. Theo đó, Mỹ có thêm hơn 33 nghìn ca mới, Brazil là hơn 31 nghìn người.
Đáng chú ý, hôm qua Brazil là nước có số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới (gần 1.000 ca), nâng tổng số ca tử vong trong nước vượt mức 50 nghìn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giới chức TP Rio de Janeiro đã yêu cầu tạm ngừng các hoạt động liên quan đến bóng đá trên địa bàn.
Trước đó hai ngày, các hoạt động này đã được nối lại sau một thời gian bị gián đoạn do Covid-19. Thị trưởng Marcelo Crivella cho biết, TP Rio de Janeiro cần có thêm thời gian để triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cho người dân. Ngoài ra, cơ sở huấn luyện của tất cả các câu lạc bộ sẽ được kiểm tra trước khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh tạm ngừng hoạt động vào ngày 25-6.
Tại châu Âu, dịch bệnh nhìn chung đã hạ nhiệt đáng kể nhưng các chính phủ vẫn cẩn trọng khi đưa ra các quyết định nhằm phục hồi nền kinh tế.
Từ ngày 21-6, Tây Ban Nha sẽ cho phép du khách đến từ Anh nhập cảnh mà không phải cách ly trong hai tuần. Chính quyền Madrid công bố quyết định này với mục đích mở lại một trong những thị trường du lịch lớn nhất của đất nước trong bối cảnh Covid-19 hoành hành trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Gonzalez Laya cho biết, cũng như du khách đến từ các nước châu Âu khác, du khách Anh vẫn phải trải qua ba bước kiểm tra, gồm kiểm tra lai lịch, thân nhiệt và lịch sử tiếp xúc trong trường hợp họ cần được theo dõi.
Tây Ban Nha cũng sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp vốn được triển khai từ ngày 14-3 để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo người dân không nên mất cảnh giác bởi vì virus SARS-CoV-2 có thể bùng phát trở lại.
Nước này sẽ mở cửa biên giới với các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và khu vực Schengen để khôi phục nền công nghiệp du lịch.
Trái ngược với Tây Ban Nha, Đức đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Theo Viện Robert Koch (RKI), chỉ trong một ngày, tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức đã tăng vọt từ 1,06 lên 1,79. Tỷ lệ lây nhiễm 1,79 có nghĩa là trung bình 100 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể lây bệnh cho 179 người khác.
Khi tỷ lệ lây nhiễm vượt mức 1, công tác kiểm soát dịch Covid-19 trong dài hạn sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Giới chức bang North Rhine-Westphalia cảnh báo nguy cơ bùng phát hàng loạt ổ dịch mới trên địa bàn.
Dù kế hoạch kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19 của Đức được đánh giá là thành công bậc nhất châu Âu, nhưng nước này vẫn chứng kiến tình trạng dịch bệnh tái bùng phát tại các lò mổ, nơi nhiều lao động là người di cư sống trong các khu nhà đông đúc do nhà tuyển dụng cung cấp.
Tình hình dịch bệnh ở Châu Á diễn biến phức tạp
Số ca mắc mới tại châu Á tương tự con số này tại Nam Mỹ, cả hai khu vực đều khi nhận thêm hơn 44 nghìn người bệnh trong ngày qua.
Theo Tân Hoa xã, các cơ sở y tế tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã làm xét nghiệm nucleic acid cho gần 2,3 triệu người trong tuần qua.
Giới chức Bắc Kinh đã thiết lập 2.083 cơ sở lấy mẫu xét nghiệm tại 474 khu vực trên khắp thành bố, đồng thời huy động gần 7.500 nhân viên y làm việc theo ca tại đây. Giới chức y tế Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng diện xét nghiệm trên toàn thành phố có hơn 20 triệu dân sau khi phát hiện ổ dịch liên quan đến chợ đầu mối Tân Phát Địa hơn một tuần trước.
Chương trình xét nghiệm này sẽ ưu tiên làm xét nghiệm cho nhân viên của các hàng ăn, cửa hàng tạp hóa, chợ bán buôn, dịch vụ chuyển phát thư và thực phẩm. Bắc Kinh đã ghi nhận hơn 200 ca Covid-19 trong nước kể từ ngày 11-6.
Trong ba ngày vừa qua, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng không ngừng. Với gần 16 nghìn ca mắc mới và hơn 300 ca tử vong, Ấn Độ đang là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Brazil và Nga.
Ngày 19-6, chính quyền New Delhi ra lệnh các bệnh viện phải hủy mọi đề nghị xin nghỉ phép (trừ trường hợp khẩn cấp nhất) và yêu cầu nhân viên lập tức trở lại làm nhiệm vụ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!