Những sự việc đáng trách, đáng giận
Chỉ trong tháng 10 vừa qua đã xảy ra một loạt những câu chuyện đau lòng khi bị giáo viên lạm dụng quyền hạn, đánh, phạt học sinh tới mức gây phẫn nộ trong dư luận.
Ngày 1/10, thấy bé trai 22 tháng tuổi quấy khóc giữa buổi trưa, một cô giáo Trường mầm non Xuân Mai (Lạng Sơn) đã bế cháu nhốt ở ngoài cửa. Cháu bé vẫn tiếp tục gào khóc và mở thùng rác nhặt đồ ăn. Tiếp sau đó, một cô giáo khác ra mở cửa bế bé dọa thả vào bể nước nếu không nín khóc. Sự việc đã được một học sinh phổ thông nhà gần trường mầm non quay clip lại và đưa lên mạng xã hội.
Chỉ ít lâu sau đó, vào ngày 03/10, cộng đồng mạng lại tiếp tục sôi sục với câu chuyện một nhóm giáo viên tại điểm trông giữ trẻ Sơn Ca (Quảng Bình) bạo hành trẻ mầm non bằng cách nhét giẻ vào miệng, trói chân trẻ ngay tại lớp học. Bố mẹ em bé này đã biết sự việc qua camera theo dõi tại trường.
Sáng ngày 27/10, cô giáo T (Trường tiểu học Thuận Hòa, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong lúc nóng nảy, vì học sinh viết sai chính tả đã dùng thước gỗ đánh vào mông 10 học sinh. Sự việc đã gây bức xúc cho hàng loạt phụ huynh tại địa phương và đặt câu hỏi trước phương pháp giáo dục học sinh của giáo viên hiện nay.
Từ những sự kiện này, các bậc phụ huynh nói riêng và dư luận xã hội nói chung đang cảm thấy bất an về việc học của con em mình tại trường. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, số vụ như trên chỉ là rất nhỏ. Vẫn còn đó rất rất nhiều những người thầy hết lòng với nghề cao quý: Dạy con người!
Hình ảnh cháu bé 15 tháng tuổi bị trói chân tay ở trường mầm non khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, phẫn nộ
Những 'hòn đá tảng' đè nặng người thầy
Áp lực từ nhiều phía
Để được học trò gọi hai tiếng 'thầy cô', người làm thầy suốt đời phải phấn đấu học tập và rèn luyện không ngừng để nâng cao năng lực và nghiệp vụ sư phạm. Tiếp đó phải có được sự tinh tế, thấu hiểu tâm lý học trò, mà học trò mỗi thời mỗi khác. Học trò thế hệ 9x,10x ngày này vừa thông minh, nhanh nhạy nhưng cũng muôn vàn phức tạp khi 'chủ nghĩa cái tôi' được đề cao. Khoảng cách giữa thầy cô và học sinh rút ngắn nhờ các phương pháp học tập hiện đại, mạng xã hội và các tiết học thực hành nhưng cũng vì rút ngắn. Thậm chí đôi khi, trò sẵn sàng 'đáp trả' thầy bằng mọi hình thức nếu chẳng may 'thầy không vừa ý trò'.
Câu nói 'muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy' trong xã hội hiện đại đã bị hiểu sai nhiều nghĩa, và phụ huynh ngày nay cũng không còn tư duy 'thầy cô luôn đúng'. Các gia đình bây giờ ít con, hiếm con nên con cái luôn là số 1. Họ sẵn sàng đầu tư giáo dục cho con bằng cách học trường tốt, giáo viên tốt… nhưng cũng đòi hỏi con cái mình được chăm lo và đối xử 'chất lượng cao'.
Nếu chẳng may, giáo viên không kiểm soát được cảm xúc, có lỡ lời mắng mỏ học sinh, các em đã có sẵn điện thoại thông minh để ghi âm, ghi hình đưa về cho phụ huynh hoặc tải lên mạng xã hội 'tố cáo' thầy cô 'không tôn trọng' mình, 'bạo hành tinh thần'. Nếu giao cho trò nhiều bài tập thì bị chỉ trích 'chạy theo thành tích'.
Người làm nghề giáo luôn phải chịu rất nhiều áp lực
Và khổ sở nhất vẫn là những cô giáo mầm non vốn mang tiếng là 'cô nuôi dạy hổ'. Một lớp học gần 40 cháu bé với 3 cô giáo trẻ quay vòng với những công việc dạy hát, dạy múa, cho cháu ăn, cháu chơi, dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho từng cháu, làm giáo cụ, thu dọn phòng học… Hàng ngày phải đối mặt với việc phải đảm bảo an toàn cho 'cục vàng' của mỗi gia đình, các cô vẫn phải âm thầm chịu đựng hàng trăm những thắc mắc từ phụ huynh 'tại sao cháu đi học gầy đi', 'đi học về đến nhà lại thấy con bao nhiêu vết muỗi đốt', 'cô trông nom kiểu gì mà mặt xước ngang dọc'…
Ngoài ra, các cô còn phải đối mặt với trách nhiệm của một người làm công ăn lương, phải hoàn thành đầy đủ trách nhiệm được nhà trường giao phó, tham gia các cuộc thi chuyên môn, hoàn thành đủ các tiết dạy, có học sinh đạt được thành tích cao để nâng tầm chất lượng giáo dục nhà trường…
Nhưng đã hết áp lực đâu khi về nhà, người giáo viên còn phải đối mặt với áp lực gia đình. Đã là cô giáo mầm non thì chăm con phải khoẻ, dạy con phải ngoan. Đã là giáo viên phổ thông thì nhất định con học phải giỏi nếu không mang tiếng bố mẹ là nhà giáo. Là giáo viên dù trong cuộc sống riêng tư hay trên giảng đường thì nhất định phải đạo mạo, trang nghiêm, gương mẫu nếu không thì dạy dỗ được ai…
Những bệnh nghề nghiệp
Không chỉ vậy, nghề giáo phải đối diện với nhiều ảnh hưởng về sức khỏe. Hầu như những người đứng trên bục giảng đều bị các bệnh về hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm xoang thậm chí là viêm phổi; nhóm bệnh cơ xương khớp, suy giảm thị lực.
Đây chính là hậu quả của quá trình dài đứng lớp quá lâu; làm việc với cường độ cao; nói to, nói nhiều liên tục; hít nhiều bụi phấn; đầu luôn căng thẳng do nhiều áp lực... Những yếu tố này đang từng ngày đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của những người thầy.
Dù thời đại nào hai tiếng 'Thầy-Cô' vẫn mãi thiêng liêng
Rõ ràng, từ xưa đến nay nghề giáo luôn được xã hội đề cao, trân trọng với tinh thần 'tôn sư, trọng đạo', 'nửa chữ cũng là thầy'. Người làm thầy phải là người có hiểu biết sâu rộng, yêu nghề, yêu trẻ thì mới có thể theo đuổi công việc 'bán cháo phổi' (ý nói: thầy cô thường xuyên tiếp xúc với bụi phấn, dây thanh quản nói nhiều nên chức năng của phổi bị suy giảm).
Giáo viên vẫn mãi là nghề cao quý, thiêng liêng nhất
Và đặc biệt làm giáo viên trong thời đại mới thì phải 'tôi luyện' tinh thần thép để đối mặt với nhiều áp lực nghề nghiệp. Đôi khi, chỉ vì 'con sâu làm rầu nồi canh' mà xã hội đã có những đánh giá sai lầm về 'nghề làm thầy', vì thực sự chỉ những ai có Tâm với nghề mới có thể tự hào và đứng vững trên bục giảng.
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy công việc của người giáo viên vô cùng vất vả nhưng mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn chưa thực sự đảm bảo đời sống nhà giáo, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin kính chúc các nhà giáo luôn vững tay chèo để đưa từng lớp học trò sang sông cập bến!
>> Xem thêm: Nghề giáo: Đừng tưởng vừa nhàn vừa khỏe!
Nghề giáo và những bệnh nghề nghiệp thường gặp
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!