Căn bệnh vô hình và chiếc giường nghiêng
Năm 2013, Sylvia Arotin là một nữ giáo viên 26 tuổi khỏe mạnh và năng động, làm việc tại thành phố New York, Mỹ. Thế nhưng, một căn bệnh 'vô hình' đã khiến cuộc sống cô đảo lộn.
Một buổi sáng thức dậy, Sylvia bỗng cảm thấy mệt mỏi đến mức không thể đứng dậy. Cô chóng mặt, buồn nôn, đau nửa đầu và ngất xỉu nhiều lần.
Đi khám mà không phát hiện ra bệnh, Sylvia buộc phải trở về quê hương ở Úc, nhập viện suốt một tháng để theo dõi và kiểm tra.
Các bác sĩ yêu cầu nữ giáo viên tham gia nghiệm pháp 'bàn nghiêng', trong đó Sylvia bị buộc vào chiếc giường có thể nghiêng nhiều góc độ. Cùng lúc, máy móc theo dõi huyết áp, nhịp tim và mức oxy của cô. Kết quả là Sylvia đã ngất đi.
'Cơ thể tôi tê liệt. Bộ não bảo cơ thể tôi phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng cơ thể tôi không thể phản hồi', Sylvia viết về trải nghiệm của mình.
Các bác sĩ sau đó chẩn đoán Sylvia mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (PoTS).
'Tôi là một trong những người may mắn nhận được chẩn đoán, vì PoTS có thể không chẩn đoán được trong nhiều năm', Sylvia chia sẻ.
PoTS là một tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh tự động, xảy ra khi chỉ một hoạt động thay đổi tư thế có thể khiến tim đập nhanh đột ngột. Hậu quả đôi khi là thiếu máu lên não hoặc tim, khiến cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều adrenaline.
Triệu chứng của PoTS thường là chóng mặt, choáng, suy nhược, buồn nôn, khiến người bệnh không thể tiếp tục công việc thường ngày.
Sylvia cảm giác chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu nhiều lần. Ảnh minh họa.
Cuộc sống của Syvlia thay đổi hoàn toàn. Từ một người khỏe khoắn và năng động, nữ giáo viên biến thành người vô cùng yếu ớt.
Sylvia không thể tiếp tục làm việc. Tim đập nhanh, chóng mặt, đau nửa đầu và buồn nôn liên tục, Sylvia khó có thể đứng thẳng và đi lại.
'Những ngày đầu tiên là khó khăn nhất, việc chấp nhận bệnh là một thử thách thực sự', Sylvia cho biết. 'Nhưng tôi phải chấp nhận rằng cơ thể tôi không có khả năng làm những điều mà trước đây nó đã làm. Tôi phải lập trình lại bộ não của mình để hiểu điều đó'.
Hầu hết các nghiên cứu về PoTS cho thấy thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh, nhưng chưa có cách chữa trị nào. Do đó, Sylvia phải dùng thuốc giảm nhịp tim, chống buồn nôn, chống chóng mặt và chống say - tất cả đều nhằm giảm các triệu chứng bệnh.
Nhưng Sylvia nghĩ cô không thể phụ thuộc vào thuốc mãi. Nữ giáo viên quyết vượt lên số phận bằng cách nghiên cứu về bệnh, tìm hiểu các yếu tố khởi phát, hiểu thêm về cơ thể và cố gắng giúp bản thân vượt qua các triệu chứng hằng ngày.
'Tôi có một nghiệm vụ cần hoàn thành và mục tiêu cần đạt được. Tôi sẽ không để bất cứ thứ gì ngăn cản mình', Sylvia chia sẻ.
Tôi có một nghiệm vụ cần hoàn thành và mục tiêu cần đạt được. Tôi sẽ không để bất cứ thứ gì ngăn cản mình'.
Vượt qua thách thức
Sau khi nghiên cứu các quy trình dinh dưỡng giúp tăng cường miễn dịch, Sylvia quyết định chọn chế độ ăn Paleo (chế độ ăn giống thời tiền sử khi tổ tiên chúng ta còn là những người săn bắn hái lượm). Sau đó, cô chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật (plant-based), cắt giảm đường, tinh bột và lúa mì, ăn thực phẩm hữu cơ. 'Đó là một bước ngoặt lớn đối với tôi', Sylvia mô tả.
Ngoài ra, Sylvia cũng đi châm cứu thường xuyên để tăng lượng oxy và lưu lượng máu, giúp giảm chứng đau nửa đầu, buồn nôn và chóng mặt. Nữ giáo viên cũng bắt đầu tập yoga, học cách điều hòa cơ thể và tập đứng thẳng mà không bị ngất.
Chế độ ăn plant-based là một trong những bí quyết giúp Sylvia khỏe mạnh hơn.
Để làm giảm triệu chứng bệnh, Sylvia bắt đầu tập yoga, học cách điều hòa cơ thể.
Quan trọng nhất, như Sylvia nói: 'Tôi cũng phải học cách đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn, biết rằng chỉ khi đó tôi mới có thể tiến bộ', Sylvia chia sẻ.
Đó cũng là khi Sylvia luyện tập cách suy nghĩ tích cực, tin rằng 'mọi thứ rồi sẽ ổn' cho dù chuyện gì có xảy ra. Nữ giáo viên bắt đầu chuẩn bị cho việc quay tại cuộc sống bình thường: mang theo thực phẩm và chất điện giải bên mình, đeo máy đo nhịp tim, uống thuốc giảm buồn nôn, đảm bảo bản thân không cố quá sức.
Và rồi cô quyết định quay trở lại với công việc. 'Để tự thúc đẩy tinh thần, tôi quyết định học thạc sĩ giảng dạy chuyên về mầm non chỉ vài tháng sau khi được chẩn đoán PoTS', Syvia kể. 'Thật khó khăn khi đây là một căn bệnh vô hình. Có rất nhiều người nói với tôi rằng tôi trông rất khỏe, có ốm đau gì đâu'.
'Chúng ta luôn được dạy rằng đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó, và điều này rất đúng với tôi'.
Chúng ta luôn được dạy rằng đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó, và điều này rất đúng với tôi!
Sylvia Arotin Sylvia Arotin
Học thạc sĩ là một quá trình khó khăn, kể cả với người khỏe mạnh nhất, chưa nói đến người đang chiến đấu với bệnh mãn tính. Vì vậy, Sylvia đã cố gắng khắc phục bằng cách đăng ký học bán thời gian, sử dụng tất cả các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên. Nữ giáo viên cũng nhờ gia đình và bạn bè đưa đến lớp - điều rất cần thiết vì cô không thể tự lái xe.
Quan trọng nhất, Sylvia chia sẻ khó khăn của mình với tất cả các giáo sư, bao gồm việc cô có thể nằm nghỉ cuối lớp bất cứ lúc nào, hay cô cần ăn trong lớp để tăng huyết áp.
'Tôi đã từng không thoải mái khi nhờ ai đó giúp đỡ nhưng tôi buộc phải làm vậy. Giờ tình thế đã thay đổi', Sylvia nói.
Nữ giáo viên cũng thường yêu cầu gia hạn deadline, thương lượng thời gian thực tập để phù hợp với điều kiện bệnh. 'Tất cả những điều này là cần thiết để tôi có thể hoàn thành ước mơ của mình bất chấp bệnh tật', Sylvia nhấn mạnh.
Nhờ có sự thích ứng đáng kinh ngạc, cuối cùng Sylvia đã tốt nghiệp thạc sĩ giảng dạy mầm non với thành tích học thuật xuất sắc nhất, và nhận được đề nghị thi lên bằng tiến sĩ.
'Không có gì là ngoài tầm với'
Từ trước khi biết mình bị bệnh, Sylvia luôn muốn mở một trường mầm non chuyên về giáo dục theo phương pháp Montessori. Và căn bệnh 'vô hình' này cũng không thể ngăn cản cô biến ước mơ thành hiện thực.
Ngay cả khi nằm viện, ước muốn này vẫn sôi sục bên trong nữ giáo viên trẻ. 'Tôi suy nghĩ về cách điều hành các chương trình dành cho trẻ mới biết đi khi tôi thậm chí không thể đứng dậy được lâu', Sylvia nói về cảm giác lúc đó.
Sylvia đang điều hành một trường mẫu giáo theo chuẩn Montessori. Ảnh minh họa.
Trong năm đầu học thạc sĩ, Sylvia quyết định tìm một ngôi nhà để chuyển đổi thành trường học của riêng mình. 'Chuyện này thật hoàn hảo: Tôi không phải lái xe đi làm, tôi có thể làm việc theo giờ phù hợp và tôi luôn ở trong vùng thoải mái nhất nếu bị ngất', Sylvia phân tích.
Giờ đây, đã 7 năm trôi qua kể từ khi được chẩn đoán PoTS, Sylvia đang điều hành ngôi trường mẫu giáo riêng của mình với 42 học sinh. Trường của cô giành được nhiều giải thưởng xuất sắc trong giáo dục và đổi mới, xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông và thậm chí hợp tác với các cơ quan chính phủ.
'Theo thời gian, khi tôi dần hồi phục, tôi ngày càng có thể làm được nhiều việc hơn - và bây giờ không có gì có thể ngăn cản tôi', Syvia chia sẻ.
Hiện, nữ giáo viên kiểm soát các triệu chứng bệnh của mình khá tốt. Cô gần như đã ngừng uống thuốc. Sylvia viết: 'Niềm đam mê và sứ mệnh của tôi là giúp nuôi dạy thế hệ tương lai và tôi đang hết mình thực hiện đam mê đó. Trường Montessori của tôi đang phát triển mạnh đến mức chúng tôi cần tìm cơ sở lớn hơn, chúng tôi đang bùng nổ'.
Là một giáo viên đầy nhiệt huyết, Sylvia tiếp tục mở khóa học có tên 'Hướng dẫn & Phát triển', giúp phụ huynh hướng dẫn hành vi của trẻ và phát triển kỹ năng sống cho trẻ.
'Bạn có thể làm bất cứ điều gì một khi bạn đặt hết tâm trí vào nó', Sylvia viết. 'Không có gì là ngoài tầm với; bạn chỉ cần tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu và ước mơ của mình, thực hiện một vài điều chỉnh trong suốt quá trình đó'.
'Cuộc sống là một cuộc hành trình: Chúng ta không ngừng học hỏi, và trong mỗi khó khăn đều tiềm ẩn những điều may mắn nhất'.
Bạn có thể làm bất cứ điều gì một khi bạn đặt hết tâm trí vào nó. Không có gì là ngoài tầm với; bạn chỉ cần tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu và ước mơ của mình, thực hiện một vài điều chỉnh trong suốt quá trình đó... Cuộc sống là một cuộc hành trình: Chúng ta không ngừng học hỏi, và trong mỗi khó khăn đều tiềm ẩn những điều may mắn nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!