Chuối là thực phẩm rất phổ biến ở Việt Nam cho nên các món ngon được làm từ chuối cũng đa dạng không kém. Trong đó, món chuối nếp nướng của Việt Nam từ lâu đã rất nổi tiếng, thậm chí còn vang danh ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài món chuối nếp nướng thì ở Việt Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ, cụ thể là ở Bến Tre còn có một món chuối nổi tiếng tuy nhìn ban đầu hơi đơn sơ nhưng cũng ngon không kém cạnh mà những ai từng nếm thử qua đều ấn tượng khó quên.
Món chuối đặc biệt này của miền Tây Nam Bộ có cái tên cũng rất độc đáo là 'chuối đập' bạn nhé. Khi nghe đến tên chuối, chắc chắn nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết vì sao lại có tên kỳ lạ đến thế. Tuy nhiên, nếu bạn ghé bất kỳ hàng chuối đập nào vô tình bắt gặp trên đường và ngồi quan sát một lúc là sẽ hiểu ra nguồn gốc cái tên ngay lập tức mà chẳng cần ai phải giải thích cho.
Món chuối này có tên là 'chuối đập' là bởi phải dùng vật dụng đập cho quả chuối dẹt ra thì mới thành món ăn. Bạn đừng nghĩ việc đập chuối dễ dàng nhé, bởi chỉ cần thử đập khoảng 5 - 6 quả thì bạn sẽ thấy mỏi nhừ tay ngay. Lý do chuối này khó đập là bởi nguyên liệu làm món chuối đập được chế biến từ những quả chuối còn xanh chứ chưa chín mềm hẳn. Do chuối còn xanh, cứng nên khi đập phải tốn khá nhiều sức.
Điều quan trọng làm nên món chuối đập ngon chuẩn vị là khâu chọn chuối. Bởi nếu chọn chuối không khéo thì món chuối đập sẽ quá cứng hoặc quá mềm, thậm chí ăn không còn ngon. Những quả chuối chuẩn nhất để làm món chuối đập là chuối đã già nhưng còn xanh chứ không quá chín. Tức là chuối đã ở giai đoạn còn khoảng 3 - 4 ngày nữa mới chín để ăn được. Những quả chuối này mặc dù ngoài vỏ còn rất xanh nhưng bên trong ruột có độ dẻo nhất định và đã bắt đầu có màu vàng ửng đẹp mắt.
Sau đó, chuối sẽ được lột sạch vỏ, vì vỏ chuối còn xanh nên khâu lột vỏ cũng hơi khó khăn. Chuối sau khi được lột vỏ thì sẽ được cho lên vỉ than nướng cháy xém các mặt. Và thường để khâu nướng chuối nhanh hơn và khâu đập chuối dễ hơn thì người ta sẽ cắt đôi quả chuối theo chiều dọc rồi mới cho lên vỉ nướng. Như vậy, cứ một quả chuối thì bạn sẽ có 2 miếng chuối đập ngon lành.
Sau khi nướng chuối được khoảng 5 phút thì người bán sẽ cho từng miếng chuối vào túi ni lông và dùng chày đập mạnh. Để đập dẹt miếng chuối này đối với người thành thạo thì cũng phải đập vài lần, còn đối với người chưa từng đập thì cũng phải đập 5 - 6 lần hoặc hơn thì miếng chuối mới dẹp như ý được nhé. Đó là lý do vì sao nhìn tuy đơn giản, thế nhưng khi bắt tay vào đập, bạn sẽ thấy đây là công việc không dễ chút nào.
Sau đó, người bán sẽ tiếp tục cho từng miếng chuối đã đập dẹt lên vỉ than nướng tiếp cho đến khi chín vàng đều cả 2 mặt chuối. Công đoạn nướng chuối cuối cùng này rất quan trọng và đòi hỏi phải thật khéo để chuối không bị cháy xém mất ngon bạn nhé. Lúc này, không nhất thiết phải ngồi bên cạnh mà chỉ cần bạn chạy xe ra ngay một quầy bán món chuối đập cũng sẽ thấy thơm lừng mùi chuối nướng rất hấp dẫn và cực khó chối từ đấy.
Đặc biệt, một thành phần không thể thiếu để làm nên món chuối đập ngon đó chính là phần nước cốt dừa rưới lên bạn nhé. Nước cốt dừa ở đây được làm từ loại ngon chuẩn không thể diễn tả bằng lời. Dừa nạo đủ độ béo rồi cho lên bếp đun sôi, bỏ thêm một ít bột năng để tạo độ sánh đặc, ngoài ra người bán còn cho thêm đường, muối vừa ăn cùng một ít hành lá xanh để tạo mùi thơm.
Miếng chuối đập nướng vẫn còn nóng hổi dẻo dẻo, dai dai lại có thêm độ bùi ngọt đặc biệt được chấm với nước cốt dừa béo ngon, ngọt ngọt, mặn mặn thì đúng là ngon không thể tả. Đặc biệt, khi ăn món chuối đập này thì chẳng cần bàn cao, ghế rộng, chẳng cần không gian sang trọng đẹp mắt mà chỉ cần bạn ghé vào một quầy hàng ven đường, núp bóng dưới một tán cây râm mát là đã có thể thưởng thức món chuối đập đúng cảnh đúng người và vị ngon thì khỏi phải bàn.
Nếu có dịp về miền Tây, có ghé qua Bến Tre thì bạn nhớ đừng quên bỏ qua món chuối đập lạ miệng nhưng ngon chuẩn vị và quá hấp dẫn kể trên!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!