Nghiện ăn uống thứ vạn người thích, người đàn ông bị ung thư giai đoạn cuối

Điều cần biết - 11/24/2024

Uống nước tăng lực, ăn thức ăn nhanh qua nhiều năm, ông L. nhận án tử đó là ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối. Sau nhiều năm rút kinh nghiệm từ bản thân mình, ông L. khuyên bạn trẻ hãy bỏ qua thói quen xấu của mình.

Hình ảnh khối u trong lòng trực tràng.

Nhầm với trĩ

Mang bệnh ung thư đại trực tràng 1 năm nay, ông Nguyễn H. L, 57 tuổi, TP.HCM vẫn không thể nào quên được những tháng ngày chật vật đấu tranh với căn bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối của mình.

Ông L. kể hơn 20 năm nay ông lúc nào cũng tăng cường luyện tập thể dục bằng cách tới các phòng gym. Lúc nào ông cũng giữ cân nặng theo chuẩn BMI của tổ chức y tế thế giới khuyến cáo. Sức khỏe chưa bao giờ có vấn đề gì.

Cách đây hơn 1 năm, ông L. phát hiện đi đại tiện có máu nên lên mạng tìm kiếm thông tin. Kết quả bất ngờ đó là dấu hiệu của trĩ và tiếp tục google tìm kiếm có hàng chục phòng khám trị trĩ. Vì muốn khám nhanh nên ông đến 1 phòng khám tư có yếu tố nước ngoài để khám. Kết quả, bác sĩ đã đốt trĩ nhưng bệnh không giảm mà ngày càng nặng hơn. Tình trạng đi ngoài ra máu không dứt, kèm theo đau bụng.

Ông L. đã đến bệnh viện ung bướu TP.HCM khám và kết quả thật bất ngờ. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối. Khi bị bệnh, tìm hiểu các thông tin về bệnh và sàng lọc các yếu tố bệnh, ông L. cho rằng căn bệnh hôm nay ông mắc phải là do một thời gian dài ông là tín đồ của thức ăn nhanh và nước ngọt có ga, nước tăng lực. Theo lý giải của ông L. khi tập gym ông có cảm giác đói và khát nước nên những lúc đó thức ăn nhanh, nước tăng lực trở thành thứ cuốn hút ông nhất và đây có thể là thủ phạm gây ung thư cho ông.

Ông L. cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ về lối sống của mình dù tập thể dục nhiều nhưng vẫn không chú ý về cách ăn uống như ít ăn rau xanh, thích ăn các thực phẩm giàu chất béo, thức ăn hun khói.

Sau 1 năm điều trị, ông L. luôn cảm thấy mệt mỏi vì phải chiến đấu với bệnh, trải qua 3 cuộc đại phẫu, sức khỏe có lúc tưởng như không qua khỏi nổi đến giờ ông L. vẫn muốn mọi người hiểu hơn về bệnh ung thư đại trực tràng.

Căn bệnh do thói quen phổ biến

Theo TS Phạm Văn Bình – Bệnh viện K trung ương ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 1.360.602 ca mắc mới và gần nửa sẽ tử vong trong thời gian ngắn sau khi được chẩn đoán. Tại Việt Nam hằng năm có hơn 8.768 ca mới mắc. Trong khi đó, bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khi được phát hiện sớm. Bài viết giúp bạn cách phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này.

Ung thư đại trực tràng là loại hay gặp ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc đứng hàng thứ 8. Ở nước ta, ung thư đại trực tràng đứng vị trí thứ 5, sau ung thư phổi, dạ dày, vú...

TS Bình cho biết ung thư đại trực tràng chưa có nguyên nhân rõ rệt nào được chứng minh là yếu tố gây bệnh. Những nghiên cứu gần đây gợi ý một số liên quan tới căn bệnh gồm: yếu tố di truyền, polyp đại tràng, viêm loét đại tràng lâu ngày.

Ngoài ra, các yếu tốnguy cơchính của ung thư đại trực tràng đến từ chế độ ăn. Chế độ ăn có nhiều mỡ, thịt động vật, thức ăn lên men, ướp muối, xông khói, thức ăn gây đột biến gen được xem là có liên quan tới ung thư đại – trực tràng.

Những triệu chứng tại chỗ có thể nhìn thấy đó là thay đổi thói quen đại tiện, phân lúc lỏng, lúc táo bón mà không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn phân thu nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn phân, chảy máu đường tiêu hóa dưới, đi ngoài phân nhầy nhầy lẫn máu hoặc đi phân đen nếu u ở đầu của đại tràng.

Bệnh nhân có thể sờ thấy các khối u trên thành bụng của mình hoặc hậu môn. Triệu chứng toàn thân là đi ngoài phân có máu lâu ngày dẫn đến thiếu máu. Biểu hiện thiếu sắt người mệt mỏi, xanh xao, gầy sút, kém ăn, sốt không rõ nguyên nhân.

Khi thấy cơ thể có dấu hiệu trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra bệnh sớm nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!