Ngồi lâu một chỗ và những hệ lụy

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ngồi lâu một chỗ dù bất cứ nguyên nhân gì ở bất cứ lứa tuổi nào, nhất là lứa tuổi lao động, đặc biệt là người có tuổi đều làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì vậy, nên làm gì để hạn chế ngồi lâu một chỗ?

Ngồi lâu một chỗ kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng chủ yếu do nghề nghiệp (công tác văn phòng, sữa chữa đồ điện tử như sửa chữa máy vi tính, điện thoại, đồng hồ, lái xe đường dài, lái xe taxi, lái tàu hỏa... ) do tàn tật không đi lại được hoặc đi đứng hạn chế do tuổi cao sức yếu, tai biến... không có người chăm sóc, hỗ trợ. Ngoài ra, có một số người ngồi lâu một chỗ xem vô tuyến, chơi game, chơi cờ, đọc tin tức trên máy tính với các trang mạng xã hội kéo dài nhiều giờ và lặp lại thường xuyên hàng ngày... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nhiều nguy hại do ngồi lâu, ít vận động

Một nghiên cứu mới đây của Australia cho thấy, những người ngồi trên 6 giờ một ngày, khả năng chết sớm trong vòng 15 năm tăng lên 40% so với những người chỉ ngồi 3 tiếng cho dù có tập thể dục, thể thao, chế độ ăn uống tốt. Nhiều người do áp lực công việc nên phải ngồi ở bàn làm việc cả ngày (từ 8-10 tiếng đồng hồ/ngày), tuy nhiên không phải ai cũng biết thói quen này lại là nguyên nhân khiến sức khỏe, trí tuệ giảm sút với rất nhiều chứng bệnh khác nhau.

Các nhà nghiên cứu tổng kết thấy, không cần biết giới tính, cân nặng hay độ tuổi của họ là bao nhiêu, nguy cơ tử vong của những người có thói quen ngồi lâu một chỗ luôn luôn cao hơn những người khác không ngồi lâu một chỗ.

Ngồi lâu một chỗ và những hệ lụy

Ngồi làm việc lâu một chỗ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ cơ thể.

Trong cuộc sống thường ngày một số người do ngồi lâu, cơ thể thiếu vận động, sẽ khiến nhu động ruột, dạ dày ngày một yếu đi, dịch tiêu hóa bài tiết cũng giảm dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa (biếng ăn, ăn uống kém ngon, hay bị chứng đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu) và hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể hạn chế làm cho sức khỏe ngày càng suy yếu.

Nếu người cao tuổi ngồi lâu một chỗ sẽ rất dễ bị suy dinh dưỡng, với người đang trong độ tuổi lao động sẽ giảm sút năng suất lao động. Đi kèm với các tác hại đó, ngồi lâu một chỗ dần dần làm tổn thương vùng đầu, cổ, cột sống, trong đó thể hiện rõ nhất là cột sống cổ, cột sống thắt lưng.

Biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ làm cho người bệnh rất khó chịu do đau cổ, mỏi cổ, cổ không linh hoạt (quay đầu, xoay người từ hạn chế đến khó khăn), đau vai, thần kinh vai gáy, chuột rút cơ gáy, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt do thóai hóa cột sống cổ gây rối loạn tuần hoàn não (hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đi đứng loạng choạng...). Ngồi lâu một chỗ, trọng lực của cơ thể tác động nhiều giờ, nhiều ngày vào cột sống thắt lưng gây đau, mỏi thắt lưng.

Từ đó góp phần vào làm thoái hóa sụn đệm cột sống gây chèn ép rễ dây thần kinh, tủy sống hoặc động mạch cột sống... dẫn đến thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa nếu không được chữa trị có thể gây biến chứng teo cơ đùi, cẳng chân, thậm chí tàn phế.

Thêm vào đó, nếu ngồi liên tục trong 3-4 tiếng đồng hồ trở lên, ít vận động, quá trình lưu thông máu trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng chậu và vùng chi dưới làm tê mỏi, hạn chế vận động. Ngồi lâu một chỗ, ít vận động chính là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng thừa cân, béo phì, đặc biệt là nguy cơ tăng kích cỡ vòng 2 đối với chị em phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng, khi ngồi lâu một chỗ, cơ bắp đốt cháy ít chất béo và tuần hoàn hoạt động chậm hơn cho nên máu lưu thông đến các cơ quan chậm hơn. Vì vậy, các axit béo dễ dàng làm tắc nghẽn các động mạch nhỏ dẫn đến bệnh tim mạch (thiếu máu mạch vành, thiếu máu đi lên não), có thể dẫn đến đột quỵ.

Một số trường hợp, ngồi lâu một chỗ, ngoài việc làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, cột sống hoặc lưu thông máu kém còn gây nên tình trạng bài tiết của thận bị suy giảm do lượng máu đến thận ít hơn hoặc ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu dễ gây nên viêm thận ngược dòng (ứ mủ, ứ nước bể thận) làm tổn thương cầu thận gây suy thận, ngồi lâu một chỗ kéo dài khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động kém nhịp nhàng, gây rối loạn sinh học, thần kinh căng thẳng, làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ (ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, ngủ chập chờn, khi tỉnh giấc thường ngủ trở lại rất khó).

Ngồi lâu một chỗ, dần dần trở nên sợ hoặc lười vận động từ đó làm cho cơ thể mất đi tính nhanh nhẹn, năng động vốn có gây ra những trì trệ trong công việc và cuộc sống.

Với phụ nữ đang mang bầu, nếu chỉ ngồi lâu một chỗ nhiều giờ trong ngày, nhiều tháng liên tục sẽ làm cho máu lưu thông kém gây phù chân (chưa kể một số chị em đang mang bầu do chèn ép của thai nhi gây phù chân), khung chậu không được vận động thường xuyên, khi chuyển dạ sẽ có thể gặp khó khăn.

Cách gì khắc phục và hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe?

Theo một nghiên cứu cho thấy khi giảm thời gian ngồi, xuống dưới 3 tiếng đồng hồ một ngày, tuổi thọ có khả năng sẽ tăng lên đến 2 năm và ngược lại. Vì vậy, mọi người, nhất là những người có nghề nghiệp đặc thù phải ngồi lâu (công tác văn phòng, đọc tài liệu nghiên cứu, viết văn viết báo, đánh máy...) cần hạn chế đến mức tối đa ngồi lâu một chỗ.

Cứ vài ba tiếng đồng hồ nên đứng dậy đi lại khoảng từ năm, mười phút hoặc cử động tay chân, thân thể như đang tập thể dục buổi sáng. Nếu lái xe, lái tàu, lái taxi... vài ba tiếng đồng hồ nên nghỉ giải lao, đi lại, vươn vai, cúi xuống, ngẩng đầu lên, xoay mình khoảng chừng mười phút để máu được lưu thông. Không nên nhịn tiểu, ngồi lâu một chỗ, bởi vì, nhịn tiểu càng dễ làm ảnh hưởng xấu đến chức năng bài tiết nước tiểu và giải phóng nước tiểu, từ đó ảnh hưởng xấu đến thận, vì vậy, cứ khoảng vài tiếng nên chủ động đi tiểu một lần.

Người có tuổi, sức yếu, đi lại khó khăn cứ vài ba tiếng đồng hồ nên dùng nạng, gậy hoặc vịn vào giường, bờ tường hoặc có người hỗ trợ nên đi lại năm, ba phút đồng hồ hoặc người có tuổi, sức yếu nên đi lại chầm chậm trong nhà, trong sân một ngày vài ba lần.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!