Một nghiên cứu mới phân tích các yếu tố gây tử vong liên quan tới thói quen ngủ gợi ý rằng, ngủ chung giường là nguy cơ lớn nhất với trẻ từ 4 tháng tuổi trở xuống, còn việc lăn vào những vật trong khu vực nằm ngủ - như chăn hay gối – là yếu tố nguy cơ hàng đầu với trẻ trên 4 tháng tuổi.
Nghiên cứu được công bố trên tờ Pediatrics ngày 14/7/2014 dựa trên dữ liệu do Trung tâm Quốc gia về Hệ thống Báo cáo, Xem xét và Ngăn chặn các trường hợp tử vong ở trẻ thu thập từ 24 bang trong thời gian 2004-2012. Các nhà nghiên cứu đã phân tích tổng cộng 8.207 ca tử vong.
Nghiên cứu định nghĩa ‘ngủ chung giường’ là ‘trẻ nhỏ ngủ chung trên một mặt phẳng với người hay vật khác’. Gần 70% số trẻ nhỏ đang ngủ chung giường tại thời điểm tử vong, mối tương quan đặc biệt tồn tại ở những trẻ nhỏ hơn.
Bác sỹ Rachel Moon, chuyên gia nhi khoa, nghiên cứu viên về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) từ Bệnh viện Sức khỏe Trẻ em Quốc gia và là tác giả của nghiên cứu cho biết ‘Ngủ chung giường là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ từ 0 tới 4 tháng tuổi. Trong nghiên cứu này, ngủ chung giường là nguy cơ lớn nhất với trẻ thuộc nhóm tuổi này’.
Tuy nhiên, trong số những trẻ thuộc nhóm từ 4 tháng tới 1 tuổi, yếu tố nguy cơ chính là lăn đè vào vật khác trong không gian ngủ.
Bác sỹ Moon nói: ‘Mặc dù chúng tôi luôn khuyến nghị rằng không để gối, chăn… trong khu vực ngủ của trẻ nhỏ, nhưng nhiều cha mẹ quên đi tầm quan trọng của thông điệp này khi trẻ lớn lên… Những vật này đều nguy hiểm như nhau khi trẻ bắt đầu hiếu động hơn’.
Định nghĩa về ngủ chung giường của nhóm nghiên cứu không bao gồm việc sử dụng giường nhỏ cho bé – thiết bị như một cái nôi đặt cạnh giường cha mẹ.
Kết luận được rút ra từ nghiên cứu có những hạn chế bởi không có nhóm đối chứng. Bác sỹ Moon và các cộng sự không thể xác định được toàn bộ nguy cơ liên quan tới việc ngủ chung giường. Nghĩa là trong khi các nhà nghiên cứu nhận thấy mối liên quan giữa ngủ chung giường và tử vong ở trẻ, họ không thể khẳng định liệu tỉ lệ lớn những trẻ ngủ chung giường sẽ tử vong hay không.
Hơn nữa, nghiên cứu chỉ xem xét các mối liên quan mà không thiết lập mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa môi trường ngủ của bé với các hệ quả cụ thể.
Từ nhiều năm, Học viện Nhi Hoa Kỳ (AAP) đã cung cấp hướng dẫn rõ ràng về thực hành ngủ an toàn cho trẻ.
Theo đó, trẻ cần được ngủ trên mặt phẳng nhẵn cùng phòng với cha mẹ, nhưng không phải là chung giường. Để các vật mềm và vật dụng dễ long, tách ra khỏi khu vực ngủ của bé cho tới khi trẻ được ít nhất 1 tuổi. Khi trẻ dưới 1 tuổi, trẻ cần được đặt nằm ngửa khi ngủ.
Bác sỹ Shalini Paruthi, giáo sư trợ giảng nhi khoa và nội khoa ở Trường Y Đại học St. Louis, là người không tham gia vào nghiên cứu nhưng đã xem xét nghiên cứu này cho biết ‘Thật sự chúng ta cần hướng dẫn cha mẹ trước khi sinh bé và nhắc nhở họ về những điều chúng ta biết có thể cứu mạng trẻ như đặt trẻ ngủ chung phòng với cha mẹ… Tôi ngạc nhiên với thực tế là 69,2% (số trẻ được nghiên cứu) đã ngủ chung giường.
Paruthi nói rằng bảo mẫu cũng cần được hướng dẫn cách tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong 2 thập kỉ trở lại đây, số lượng cha mẹ ngủ chung giường với trẻ đã tăng gấp đôi. Những người ủng hộ và khuyến khích ngủ chung giường như bác sỹ, chuyên gia nhi khoa William Sears lại tranh luận rằng ngủ chung là phổ biến ở các nền văn hóa khác và những cảnh báo về việc ngủ chung là ‘không chính xác’. Bác sỹ Sears nói rằng trẻ ngủ ngon hơn và đạt trạng thái sinh lý ổn định hơn khi được ngủ chung.
Bác sỹ Moon tin rằng nghiên cứu mới này ủng hộ gợi ý nguy cơ từ việc ngủ chung là rõ ràng. ‘Nguy cơ trẻ nhỏ tử vong vì cha mẹ ngủ quên khi ngủ chung với con là cao, đặc biệt trong vài tháng đầu đời của trẻ - thời điểm cha mẹ dễ ngủ quên lúc ngủ với trẻ’.
Chi Chi (Theo Huffingtonpost)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!