Theo quy định của Luật BHYT, từ 1-1-2016, người dân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường/xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện (BV) quận/huyện thì có thể đi khám qua lại ở những nơi này.
BS Nguyễn Thị Hoa, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau ba tuần thực hiện thông tuyến cho thấy số lượng khám, chữa bệnh tháng 1-2016 giảm 7,6% so với tháng 12-2015, giảm cả số thẻ đăng ký BHYT tại tuyến BV quận/huyện (10%) và trạm y tế phường/xã (29%).
Mặc dù số lượt khám, chữa bệnh ở quận/huyện giảm nhưng số người đăng ký BHYT tại phường/xã và phòng khám đa khoa sang BV quận, huyện tăng lên lần lượt là 2,5% và 29%. Một điều đáng lưu ý là số lượt khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế giảm đến hơn 46%.
Bệnh nhân đến khám bệnh tại cơ sở y tế (Ảnh minh họa: Internet)
Những BV quận/huyện có lượt khám tăng so với tháng 12-2015 là Bình Tân (tăng gần 35%), quận 1 (tăng 31%), quận 7 tăng 18% và quận Thủ Đức tăng hơn 6%. BV quận 2 cũng tăng khoảng 10%.
Bà Hoa nhận định có hiện tượng chuyển dịch số lượng khám, chữa bệnh từ BV này sang BV khác nên có đến 12 BV có số lượng khám, chữa bệnh giảm hơn 10%. Có hiện tượng người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, phòng khám đa khoa chuyển dịch về BV quận/huyện.
Về phần mềm kiểm tra bệnh nhân thông tuyến đi khám nhiều nơi, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định BHYT - BHXH TP.HCM, cho biết đã triển khai phần mềm kiểm tra người có thẻ đi khám, chữa bệnh cho các đơn vị nhằm tránh lạm dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa sử dụng và có nguy cơ bị xuất toán nếu cho bệnh nhân hưởng BHYT mà trước đó họ đã đi khám ở nơi khác.
Nhưng phần mềm chỉ dừng ở mức độ có đi khám trước đó hay không đi mà thôi chứ chưa làm được việc cảnh báo sử dụng thuốc trùng hay không. Nếu nghi ngờ thì có thể yêu cầu người bệnh trình sổ khám và toa thuốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lỡ người bệnh không mang sổ khám bệnh và toa thuốc thì phải làm sao?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!