Những tháng ngày tội lỗi
Làng Dương Lâm nổi cộm nhất tỉnh Quảng Nam về tình trạng HIV. Có thời điểm, trong vòng 1 năm có tới 10 thanh niên chết vì HIV. Cứ thế bóng ma HIV phủ trùm lên Dương Lâm (Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam).
Cái chết trắng đã len lỏi vào hàng những mái nhà của người dân, gieo rắc mầm mống căn bệnh thế kỉ, cướp đi nhiều số phận, để lại nhiều mảnh đời đớn đau bất hạnh, những tiếng đời ai oán cho người sống cho đến tận bây giờ vẫn chưa vơi.
Dẫn chúng tôi đến nhà của 1 trong 4 người nhiễm HIV hiện còn sống tại thôn Dương Lâm là anh Phạm Văn T. (36 tuổi). Ông Ngô Văn Lợi, trưởng thôn Dương Lâm cho biết: 'Gia đình T. là tội nhất ở đây. Ngày ngày hai vợ chồng cố gắng làm lụng, chi tiêu tằn tiện để có tiền tích lũy cho đứa con trai. Thật đáng thương!'.
T., khác với những người có bệnh HIV, anh vẫn vui vẻ nói cười, gắng sức làm việc. Trước mặt chúng tôi, anh T. cười an ủi mình: 'Đã nhiễm HIV/AIDS thì coi như có danh sách tên mình ở hội người cao tuổi rồi còn gì, chẳng biết lúc nào sẽ về gặp các cụ nên càng cần sống 'gấp' hơn, cố làm được nhiều việc hơn!'.
Anh kể: 'Vào đầu năm 2002, khi hay tin trong thôn có người mắc HIV, ai nấy đều sững sờ lo lắng, ai đời chốn hẻo lánh này lại có người bị 'si đa' cơ chứ! Nhưng nghĩ lại những khoảng thời gian ở bãi vàng cứ thức khuya dậy sớm lại lao động quần quật cả ngày, chủ cai cho nếm thử thuốc phiện để hồi sức, đỡ mệt nhưng dần dần thành quen, rồi nghiện nặng. Cứ thế, từng người theo nhau mắc vào 'cái chết trắng' mà không hề hay biết. Không chỉ nghiện một mình mà còn kéo theo người thân, bạn bè cùng chung cảnh lao động nghiện theo.
Những lần lên cơn nghiện, thiếu tiền, thiếu thuốc, anh em dùng chung kim tiêm, xi-lanh là chuyện bình thường. Từ những thanh niên trai tráng, vạm vỡ đến khi suy kiệt sức lao động, bị chủ cai đuổi về quê thì đã 'thân tàn ma dại' mang trong mình căn bệnh 'ròi rúc trong xương' rồi. Đến lúc mình ốm yếu, phát bệnh tật liên miên mới đi khám ở trạm y tế xã rồi ở Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh thì mới ngã ngửa người ra bị mắc HIV lúc nào không hay, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng, ân hận thì cũng chẳng được nữa'.
Đến bây giờ, anh không thể quên những ngày đơn độc, cùng đường khi cả gia đình phải đối mặt với dư luận, với sự ghẻ lạnh của chính những người thân trong họ hàng gia đình và hàng xóm láng giềng.
Ngày cả nhà phát hiện anh bị mắc bệnh rồi lây bệnh cho vợ thì gần như cả gia đình anh bị người thân và bạn bè xa lánh: 'Cả gia đình tôi bị mọi người coi như hủi. Nhiều lúc ăn cơm mà bát cơm cho vợ chồng con cái tôi được đưa vào buồng riêng, nhìn vợ con mà tôi không thể nuốt! Nếu ăn cơm cùng mâm, người ta cũng để ý không ngồi cạnh, không gắp thức ăn ở đĩa chung.
Vợ chồng anh T luôn cố gắng làm việc để dành tất cả điều tốt đẹp cho cậu con trai (Ảnh Minh Ngọc)
Đi khám bệnh, người ta 'thả' thuốc vào bàn tay chứ không dám động vào tay mình. Con trai lúc ấy được hơn 3 tuổi, tôi mới dám đưa cháu đi nhà trẻ. Mới những ngày đầu đến lớp, cháu còn khóc vì chưa quen ra nơi đông người, đã bị các bà mẹ khác xua đuổi. Nước mắt nước mũi tôi cứ trào ra vì chua xót mà mình không làm gì được. Uất quá nên tôi đưa con đi xét nghiệm ở Trung tâm tỉnh dưới thành phố. Nhưng nhờ trời run rủi còn thương tôi khi phiếu xét nghiệm kết quả của cháu bé âm tính, cháu đã may mắn không bị nhiễm bệnh từ mẹ.
Tôi đã đạp xe thẳng một mạch gần 20 cây số về nhà trẻ, 'trình' cho cô giáo tờ phiếu xét nghiệm. Cô giáo đã phô tô 'bằng chứng' về sức khoẻ của cháu, ai còn nghi ngờ đều đưa tận tay cho xem. Vậy mà vẫn còn có người độc miệng còn bảo mình 'mua' tờ giấy chứng nhận đó để qua mặt mọi người! Nếu không có cô giáo thương, không biết con trai tôi có được đến trường nữa hay không! Các anh nghĩ có buồn không chứ. Tôi đi xin làm công nhân, nhưng người ta cũng không cho vì sợ. Nếu sang xã khác... mà người ta tìm hiểu, biết mình ở Dương Lâm thì đố mà hôm sau gặp được. Buồn lắm!', anh T. bật khóc khi kể lại những chuỗi ngày đó.
'Các anh ở xa vừa đến đây nên không biết những bi kịch từ miệng lưỡi người đời. Họ ác lắm. Chồng em đau bụng phải đi mổ dạ dày. Rứa mà họ cứ xầm xì là bệnh HIV đã phát ra nên chết. Mấy năm qua, công việc may vá của em cũng ế ẩm bởi nhiều người nghe tin đồn nhảm mà không đến đặt hàng nữa. Miệng thế gian khổ lắm anh ạ', vợ anh T. ngẹn ngào nói.
Làm tất cả để bù đắp cho con
Kể lại những ngày tháng ấy, anh T. không khỏi rơi nước mắt. Những đêm không ngủ, nhìn con, vợ chồng anh T. chỉ còn biết khóc vì thương con, mới hơn 3 tuổi mà sắp phải mồ côi. Rồi hai vợ chồng khóc cho số phận của mình, chẳng biết sống được bao lâu nữa, chẳng biết ai sẽ đi trước ai, không biết lúc đó cháu bé đã biết tự lo cho mình chưa.
Công việc chính của anh chị chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, bầy vịt bầy gà và việc may vá quần áo công nghiệp của chị. Anh T. nhẩm tính mỗi tháng hai vợ chồng tằn tiện lắm cũng chỉ dư ra được hơn một triệu bạc, đều gửi vào tiết kiệm dưới tên con.
Anh T. bảo: 'Vợ chồng tôi thì đâu còn cần gì nữa. Dồn hết cho đứa con thôi! Chúng tôi cố làm lụng, ăn uống kham khổ để dành tiền cho con được đồng nào hay đồng ấy. Các bác sĩ vẫn bảo phải ăn uống đủ chất, làm việc điều độ thì vẫn có thể sống được mười năm, hai mươi năm nữa như thường. Đấy là với người có tiền, chứ vợ chồng tôi nghèo thế này, làm sao dám mơ. Thôi thì đến đâu thì đến vậy!'.
Với anh T., việc thừa nhận quá khứ từng nghiện ma túy, công khai việc mình bị nhiễm HIV, đã cai nghiện thành công, được cả cộng đồng ghi nhận. Hiện tại anh T. cùng những người bị nhiễm bệnh khác đang rất tích cực với vai trò đồng đẳng viên tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS.
Đàn gà đàn vịt của anh đang lớn, đứa con anh cũng đang lớn. Hy vọng rằng cái ngày định mệnh ấy đừng đến quá sớm, để anh chị có thêm một khoảng thời gian quý báu chăm lo cho đứa con của mình. Chẳng biết lần sau qua lại đây, tôi có còn được nói chuyện với đôi vợ chồng đầy nghị lực này nữa hay không.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!