Theo các nghiên cứu, lượng kẽm cần thiết hàng ngày cho trẻ sơ sinh khoảng 5mg, trẻ em gấp đôi trẻ sơ sinh (10mg), phụ nữ cần khoảng 12mg, đặc biệt phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần 15mg.
Người có bệnh ở đường tiêu hóa thường bị thiếu kẽm (Ảnh minh họa: Internet)
Kẽm được hấp thu phần lớn ở ruột non, nhất là ở hồi tràng, phần nhỏ ở dạ dày và ruột già. Sau khi dùng kẽm bằng đường miệng (uống), kẽm xuất hiện trong máu sau 15 phút và nồng độ đạt tối đa sau 2 - 4 giờ. Tuy vậy, kẽm có nhược điểm là không dự trữ trong cơ thể, có đời sống sinh học ngắn (12,5 ngày) trong các cơ quan nội tạng nên dễ bị thiếu nếu khẩu phần cung cấp hàng ngày không đủ lượng kẽm cần thiết. Khi thiếu kẽm, không có triệu chứng bộc phát một cách rõ rệt, nhưng có ảnh hưởng ngay đến sự tăng trưởng và sự chuyển hóa của cơ thể.
Do kẽm được đưa vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, vì vậy những người có bệnh ở đường tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, bệnh dạ dày - tá tràng...) thường bị thiếu kẽm. Kẽm được thải ra ngoài với một lượng lớn qua dịch ruột, dịch tụy, số kẽm còn lại được đào thải qua nước tiểu và mồ hôi.
Lượng kẽm trong cơ thể có liên quan chặt chẽ với môi trường sống và chế độ dinh dưỡng. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của cơ thể và hơn nữa có thể còn là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống, tuổi thọ và sinh mạng của con người.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!