'Sóng thần' COVID-19 càn quét nước Mỹ
Đại dịch COVID-19 chính thức trở thành cơn 'sóng thần' càn quét nước Mỹ. Mới hôm trước thế giới bất ngờ khi trong 1 ngày, Mỹ có tới gần 8.400 người mắc thì tính đến sáng nay (24/3), con số 9.903 người mắc mới khiến thế giới khó tin vào mắt mình.
Số liệu mới nhất cho thấy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Mỹ là 43.467 ca, 545 người tử vong vì COVID-19. Nước Mỹ đang căng mình chống đại dịch, các bác sĩ tại quốc gia này cảnh báo mức độ lây nhiễm sẽ trở nên 'tồi tệ' vào trong tuần này.
Có tới gần 10.000 mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ chỉ sau một đêm (Ảnh minh họa: News-tunisia)
Thành phố New York tại Mỹ đã vượt mốc 20.000 ca nhiễm, tăng hơn 5.700 ca trong một ngày
Thống đốc bang New York thông báo tổng số ca nhiễm của bang đã tăng lên 20.085, với mức tăng kỷ lục sau 24 giờ. Trong số đó, đến 13% bệnh nhân cần được chăm sóc nội trú và khoảng 1/4 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt.
Thị trưởng New York Bill de Blasio trước đó cảnh báo thành phố có thể không cứu sống được nhiều bệnh nhân trong những ngày tới nếu các bệnh viện không được hỗ trợ thêm máy thở. 'Nếu chúng tôi không nhận thêm máy trợ thở trong tuần này, chúng tôi sẽ bắt đầu đánh mất nhiều sinh mạng mà đáng lẽ ra còn cơ hội cứu được', ông nói ngày 23/3.
Số ca tử vong tại Italy gần gấp đôi Trung Quốc, dịch bệnh lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tính đến 7h45 sáng nay (24/3), số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã lên con số 378.741, số người chết lên tới 16.499. Dịch đã lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sáng nay, Italy ghi nhận thêm 4.789 người nhiễm và 601 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 63.927 và 6.077 người chết vì COVID-19. Số ca tử vong tại Italy hiện đã gần gấp đôi Trung Quốc đại lục.
Các bác sĩ tại Italy đang căng mình chống lại dịch bệnh với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao.
Tính đến sáng nay, nước Pháp ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng vọt, đồng thời số ca nhiễm mới Sars-CoV-2 cũng lập kỷ lục mới. Chính phủ nước này quyết định siết chặt hơn nữa quy định phong tỏa toàn quốc.
Ngày 23/3, nước Pháp ghi nhận thêm 186 ca tử vong, một con số tăng đột biến so với diễn biến kể từ đầu mùa dịch. Tổng số người chết vì SARS-CoV-2 tại Pháp cho đến nay đã là 860 người. Số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ cũng chạm kỷ lục mới với 3.176 ca, đưa tổng số ca nhiễm lên gần 20.000 người. Hiện tại quốc gia này có 8.675 người phải nhập viện và 2082 ca bệnh nặng.
Nước Pháp bắt đầu tuần thứ 2 trong thời gian phong tỏa toàn quốc, dự kiến kéo dài trong 15 ngày. Trước tình trạng người dân chưa chấp hành tuyệt đối các quy định phong tỏa, trước yêu cầu của lực lượng y tế, chính phủ Pháp đã thông báo nhiều biện pháp bổ sung.
Kể từ sáng ngày 24/3, các khu chợ ngoài trời trên toàn lãnh thổ nước Pháp sẽ phải dừng hoạt động nhằm giảm tiếp xúc giữa người dân. Người dân vẫn có thể ra ngoài tập thể dục nhưng chỉ giới hạn trong 1 giờ đồng hồ, trong bán kính 1 km tính từ nơi ở và chỉ ra ngoài 1 lần mỗi ngày.
Thủ tướng xét nghiệm âm tính, Đức có 123 ca tử vong vì COVID-19
Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy Thủ tướng Đức Angela Merkel âm tính với virus Sars-CoV-2, trong bối cảnh số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 tại Đức đã vượt qua cột mốc 100.
Thông tin về tình hình sức khoẻ của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, người phát ngôn chính phủ Đức cho biết kết quả xét nghiệm lần đầu của bà Merkel với virus Sars-CoV-2 là âm tính. Tuy nhiên, để cẩn thận bà Merkel sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm trong vài ngày tới.
Trước đó, bà Angela Merkel thông báo tự cách ly từ ngày 22/3 do có tiếp xúc trực tiếp với một bác sỹ nhiễm bệnh hôm 20/3. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz khẳng định Thủ tướng Đức vẫn trong tình trạng sức khoẻ tốt và vẫn đang làm việc tại văn phòng riêng tại nhà.
Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Đức họp bàn về dịch COVID-19 ở Thủ đô Berlin. (Ảnh: AFP)
Trong lúc này, theo các số liệu được công bố, số ca nhiễm COVID-19 tại Đức đã tăng lên 29.056 ca và số người thiệt mạng là 123 người.
Giới chức y tế Tây Ban Nha ghi nhận thêm 539 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19, nâng tổng số người chết vì dịch viêm phổi cấp tại nước này lên 2.311. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha hiện là 35.136 với 6.348 ca nhiễm mới.
Mặc dù đã áp lệnh phong tỏa đất nước từ 14/3, số ca mắc và thiệt mạng vì COVID-19 tại Tây Ban Nha vẫn tăng mạnh những ngày qua. Quốc gia này hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới và thứ 2 ở châu Âu.
Enrique Ruiz Escudero, quan chức y tế cấp cao của Tây Ban Nha dự đoán đỉnh dịch của nước này sẽ xảy ra vào ngày 25/3 và bắt đầu giảm vào cuối tuần này. Kết luận được ông Escudero đưa ra dựa trên mối quan hệ giữa thời gian ủ bệnh và thời điểm nước này bắt đầu các biện pháp cách ly, đóng cửa trường học trên toàn quốc.
Giới chức thành phố Madrid xác nhận khoảng 20% trong tổng số các viện dưỡng lão ở thủ đô của Tây Ban Nha đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới.
Hàng nghìn người rời khỏi Băng Cốc
Làn sóng người lao động rời khỏi Bangkok diễn ra sau khi Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul kêu gọi người dân thủ đô và các tỉnh lân cận làm việc tại nhà trong 14 ngày tới để kìm hãm đà lây lan của dịch COVID-19.
Lệnh đóng 18 cửa khẩu Thái Lan cũng có hiệu lực từ ngày 23/3. Nhiều lao động nước ngoài trước đó đã hối hả về nước, hoặc đến các tỉnh khác để tự do đi lại và tìm công việc mới.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan đã đề nghị lãnh đạo các tỉnh lân cận giám sát chặt chẽ người đến từ Bangkok và những địa phương lân cận. Cơ quan này đề nghị các tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu hành khách rời Bangkok và đảm bảo mọi phương tiện vận chuyển đều được khử trùng.
Hàng nghìn người rời khỏi Bangkok, Thái Lan trước lệnh đóng 18 cửa khẩu tại nước này. (Anhr: Reuters)
Theo Bangkok Post, tổng số ca bệnh dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Thái Lan đã lên đến 721, tăng 122 trường hợp so với ngày 22/3. Có 668 bệnh nhân đang được điều trị nội trú. Bộ Y tế Thái Lan vẫn chưa ghi nhận thêm ca tử vong mới, ngoài một trường hợp được thông báo vào ngày 1/3.
Các cửa hàng và địa điểm giải trí tại Bangkok phải đóng cửa từ ngày 23/3 trong nỗ lực ngăn dịch COVID-19 lan rộng. Hàng nghìn người rời thủ đô Thái Lan trước khi lệnh có hiệu lực.
Thủ đô Bangkok đã tiến hành các biện pháp phong tỏa một phần theo chỉ thị của Bộ Nội vụ Thái Lan . Lệnh có hiệu lực từ ngày 23/3 châm ngòi một làn sóng người dân địa phương lẫn người nước ngoài rời khỏi thành phố trước hạn chót, theo Bangkok Post.
Bến xe Mor Chit ở quận Chatuchak ghi nhận gần 80.000 hành khách về quê trong ngày 22/3. Nhân viên bến xe phải siết chặt các biện pháp kiểm tra y tế, yêu cầu mọi hành khách đeo khẩu trang. Dù vậy, nhiều người lo ngại nguy cơ virus lây lan do khu vực tập trung quá đông người và hành khách không thể giữ khoảng cách an toàn.
Khu vực này cũng rơi vào tình trạng không có đủ thiết bị đo nhiệt độ và dung dịch rửa tay sát khuẩn đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, nhà ga Hua Lamphong thông báo không xảy ra tình trạng lượng hành khách tăng đột biến.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!