Nguy cơ tiềm ẩn từ các vật dụng quen thuộc trong nhà bạn

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Đừng tưởng rằng "tổ ấm" của mình là an toàn, có những vật dụng trong nhà nếu bạn không thường xuyên vệ sinh có thể gây ra những tác hại rất đáng sợ đấy!

Đừng tưởng rằng “tổ ấm” của mình là an toàn, có những vật dụng trong nhà nếu bạn không thường xuyên vệ sinh có thể gây ra những tác hại rất đáng sợ đấy!

Đôi khi ở trong chính ngôi nhà của bạn lại có những vật dụng quen thuộc chứa đầy ổ bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe của mọi người mà bạn không thể ngờ tới. Tiến sĩ Kelly A. Reynolds – nhà vi sinh học môi trường tại Đại học Arizona chia sẻ: “Bạn sẽ dễ mắc bệnh từ mầm bệnh trong nhà của mình hơn là từ bất kỳ nguồn nào khác”. Dưới đây là một số vật dụng bạn cần chú ý khi vệ sinh nhà cửa để phòng tránh lây nhiễm bệnh không đáng có.

1. Gian bếp

Có rất nhiều nơi chứa vi trùng trong nhà bếp, bao gồm cả tủ bếp hay bồn rửa chén (thường có khoảng 77.500 vi khuẩn/cm2), bàn ăn và các miếng rửa chén, khăn hay thảm chùi nhà bếp là nơi cư ngụ cho các vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Chính vì vậy, sau khi rửa hoặc nấu thức ăn, ngoài việc rửa chén, bạn cần vệ sinh gian bếp và vòi nước bằng xà bông hoặc chất tẩy rửa vi khuẩn. Khử trùng miếng tẩy rửa hoặc bàn chải sau khi dọn dẹp xong và nên thay miếng rửa chén một tuần một lần. Hãy lau dọn khu vực nấu ăn 2 lần/tuần với dung dịch theo công thức: 1 muỗng canh thuốc tẩy và 1/4 nước. Bạn có thể chà sạch, sau đó đổ dung dịch xuống cống.

2. Thớt

Trên bề mặt thớt ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn nguy hiểm như E.coli, Salmonella và Campylobacter… Những loại vi khuẩn này đều có khả năng lây lan từ thớt sang thức ăn và gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, những tấm thớt cũ, nhiều rãnh cắt sâu càng có nguy cơ thức ăn bám dính nhiều hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cả nhà, cần vệ sinh thớt thường xuyên, không sử dụng chung thớt cho thực phẩm sống và chín. Đặc biệt, khi thấy thớt đã quá cũ, sần sùi, nhiều rãnh sâu, bạn nên thay thớt mới. Nhiều nghiên cứu cho rằng, các gia đình nên sử dụng thớt thủy tinh hoặc nhựa vì 2 loại vật liệu này có thể dễ dàng chùi rửa.

Nguy cơ tiềm ẩn từ các vật dụng quen thuộc trong nhà bạn

3. Máy giặt

Có trung bình khoảng 1/10 gram phân dính trong một chiếc quần lót, tiến sĩ Charles Gerba, giáo sư sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ) chia sẻ. Và mỗi lần giặt đồ lót trong máy giặt có thể lan truyền 100 triệu vi khuẩn Ecoli vào nguồn nước cũng như truyền nhiễm mầm bệnh này sang những bộ đồ trong lần giặt kế tiếp.

Để giảm thiểu vấn đề này, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên đặt chế độ giặt và sấy ở 150 độ để diệt vi khuẩn. Hầu hết các sinh vật đều chết trong chu kỳ sấy. Giặt đồ lót riêng và giặt sạch với chất tẩy trắng có thể giết 99,99% vi khuẩn gây bệnh.

Nên sấy khô quần áo càng nhanh càng tốt để vi khuẩn không có cơ hội kịp sinh sôi nảy nở trong môi trường ẩm ướt. Rửa tay của bạn sau khi giặt quần áo để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn nào còn sót lại.

4. Bàn chải đánh răng

Miệng con người chứa trung bình khoảng 100 triệu vi khuẩn trên mỗi mililit nước bọt. Vi khuẩn ăn chung thực phẩm với bạn và khi bạn đánh răng, các phân tử thực phẩm và vi khuẩn bám vào bàn chải của bạn, gây nên ổ bệnh chứa đầy vi khuẩn trên bàn chải.

Bác sĩ Margaret Lewin, giáo sư y khoa của Đại học Cornell, và giám đốc y tế của công ty bảo hiểm Cinergy Health khuyên rằng: “Sau khi đánh răng, bạn rửa sạch bàn chải đánh răng bằng nước nóng và dựng đứng bàn chải, để khô ráo. Không đặt bàn chải gần nhà vệ sinh – nơi có nhiều vi khuẩn phát triển mạnh trong độ ẩm. Thay bàn chải định kỳ 3 tháng một lần để tăng hiệu quả vệ sinh răng miệng và hạn chế vi khuẩn gây bệnh”.

5. Bồn tắm

Mỗi khi vệ sinh cơ thể, bạn sẽ loại bỏ vi trùng và virus khỏi cơ thể. Nhưng tất cả các sinh vật gây bệnh đôi khi không trôi theo dòng nước trượt xuống cống mà một số trong đó phát triển mạnh khi gặp bề mặt ẩm ướt.

Vì vậy, hãy sử dụng chất tẩy rửa mỗi tuần một lần cho sàn phòng tắm và các bề mặt của bồn tắm, vòi hoa sen; rửa sạch và lau khô các bề mặt bằng khăn. Giữ cho vòi hoa sen luôn sạch sẽ bằng cách dùng bàn chải đánh răng cũ để cọ rửa, làm sạch bộ lọc… Hoặc bạn có thể ngâm vòi hoa sen trong giấm khoảng 1 giờ để khử trùng, sau đó vệ sinh bình thường lại.

6. Điện thoại di động

Nhiệt độ ấm do thường xuyên hoạt động của smartphone là “cái nôi” tạo ra vi khuẩn. Thêm vào đó, thói quen mang theo điện thoại vào phòng ngủ, phòng bếp, phòng khách, đi làm, đi xe ô tô và thậm chí là cả vào nhà vệ sinh tạo điều kiện để đủ loại vi khuẩn có hại bám vào.

Những loại vi khuẩn trên điện thoại di động có thể truyền từ tay người sang thức ăn rồi xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, vi khuẩn có thể xâm nhập vào da qua màn hình điện thoại mỗi lần người dùng thực hiện thao tác nghe gọi.

Dù trông bề ngoài có vẻ sạch sẽ nhưng điện thoại di động là nguồn gây bệnh rất nguy hiểm cần được vệ sinh cẩn thận mỗi ngày. Hạn chế tuyệt đối việc vừa ăn vừa sử dụng điện thoại hoặc mang điện thoại vào nhà tắm, nhà vệ sinh để ngăn ngừa vi khuẩn phát tán.

Nguy cơ tiềm ẩn từ các vật dụng quen thuộc trong nhà bạn

7. Giày dép 

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Arizona (Mỹ), giày dép đi lại hàng ngày chứa rất nhiều loại vi khuẩn, đủ để “tấn công” sức khỏe con người. Các nhà khoa học phát hiện, một chiếc giày có thể chứa 421.000 vi khuẩn. Như vậy, một đôi giày sẽ có lượng vi khuẩn gấp đôi. Trong số tất cả những đôi giày mà các chuyên gia tại Đại học Arizona kiểm tra, 96% số giày có chứa vi khuẩn Coliforms. Đây là một loại vi khuẩn thường tìm thấy trong phân của người và các loài động vật máu nóng.

Hãy xem xét việc bố trí một kệ giày hoặc tủ giày ở ngay gần cửa, để mọi người có thể thay và cất giày một cách tự động ngay khi về nhà. Đồng thời nên đặt tấm thảm chùi chân ngay cửa ra vào và cũng đừng quên vệ sinh thảm thường xuyên để ngăn ngừa các vi khuẩn từ bên ngoài.

Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, bạn nên tập thói quen tổng vệ sinh nhà ít nhất 2 tuần/lần. Hãy khích lệ cả nhà cùng làm để công việc trở nên nhẹ nhàng và vui vẻ hơn bạn nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Loại trừ những tác nhân giấu mặt trong phòng ngủ gây bệnh hen suyễn
  • 8 đồ vật gây hại cho con và cách thay thế
  • Cẩn thận đồ dùng nguy hiểm này khi nhà có trẻ con (Phần 1)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!