Giận dữ là một dạng tâm trạng mang xúc cảm mạnh mẽ bắt nguồn từ cảm giác thất vọng, đau lòng, muộn phiền và chán nản. Giận dữ là cảm xúc mà ai cũng đã hơn một lần trải qua, bao gồm cả mức độ nhẹ đến mức độ nặng hơn. Việc học cách kiểm soát cơn giận dữ và biểu lộ nó một cách phù hợp sẽ khiến bạn không vô tình làm tổn thương người khác, đồng thời kiểm soát được tâm trạng và giữ được bình tĩnh để giải quyết vấn đề.
Bài viết mà Hello Bacsi chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ và nắm bắt cảm xúc giận dữ của bản thân mình.
Nguy hiểm tiềm ẩn của những cơn giận dữ “khó kiểm soát”
Cơn giận dữ đột ngột và khó kiểm soát có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây chứng trầm cảm và lo âu quá mức. Nếu bạn cảm thấy giận dữ mà không biết cách bộc lộ, bạn có thể vô tình phá hủy đi mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, sự giận dữ sẽ gây ảnh hưởng đến suy nghĩ cũng như hành vi của bạn, từ đó nó có thể tạo nên một loạt các vấn đề thể chất.
Tình trạng cáu giận kinh niên (trong thời gian dài) có liên quan đến các bệnh lý sức khỏe như cao huyết áp, các vấn đề tim mạch, đau đầu, các chứng rối loạn da và các vấn đề tiêu hóa khác.
Bên cạnh đó, tình trạng không thể kiểm soát cơn giận còn có liên quan đến các vấn đề như lạm dụng rượu bia và các chất gây nghiện, xung đột, lạm dụng thể chất, tình cảm và các hành vi bạo lực khác.
Các biện pháp bạn có thể thực hiện để kiểm soát cơn giận dữ
Hít thở sâu
Khi bạn bắt đầu cảm thấy giận dữ, hãy hít thở thật sâu, thử nghĩ và nói những chuyện tích cực một mình đồng thời ngừng suy nghĩ về vấn đề khiến bạn giận dữ. Hít và thở ra thật sâu từ cơ hoành. Sau đó, tự nói với bản thân hai từ “bình tĩnh” và lặp lại nhiều lần. Hãy tự nói lại từ này nhiều lần trong khi bạn đang hít thở sâu cho đến khi cơn giận nguôi ngoai.
Tránh uống rượu bia và sử dụng các chất gây nghiện. Chúng chính là tác nhân khiến bạn không thể kiểm soát cơn giận dữ.
Biểu lộ sự giận dữ có kiểm soát
Bạn nên biểu lộ cơn giận dữ thay vì cố kiềm nén trong lòng. Tuy nhiên, bạn nên biết bộc lộ cơn giận một cách phù hợp. Những cơn giận đột ngột thường sẽ gây phản tác dụng, khiến bạn khó kiểm soát hành vi và dễ khiến người xung quanh vô tình bị tổn thương.
Tâm trạng cáu giận bất chợt cũng sẽ gây căng thẳng cho hệ thần kinh và tim mạch, đồng thời còn khiến cho tình trạng một số bệnh trở nên tồi tệ hơn. Việc học cách sử dụng sự quyết đoán, tự chủ đúng lúc chính là một cách tích cực để biểu lộ cảm xúc, nhu cầu và sở thích của bạn.
Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè xung quanh. Hãy nói chuyện và bày tỏ cho bạn bè biết cảm xúc của bạn và cố gắng làm việc hoặc nghĩ về những chuyện tích cực để cơn giận nguôi ngoai.
Ghi lại thời điểm tức giận
Nếu bạn không thể nhận biết khi nào bạn đang cảm thấy bực bội, hãy ghi lại thời điểm mỗi khi bạn tức giận để có thể tìm ra nguyên nhân.
Khi bình tĩnh hơn, bạn có thể dựa vào mốc thời gian đó và nhớ lại mọi thứ cũng như có cách giải quyết phù hợp.
Lắng nghe nhiều hơn
Đôi khi quá giận dữ, bạn đánh mất cả lý trí của mình và không mở lòng để lắng nghe bất cứ điều gì từ những người xung quanh. Tuy nhiên, việc bình tĩnh để lắng nghe rất quan trọng. Có thể những gì bạn hiểu lầm dẫn đến sự giận dữ sẽ được làm sáng tỏ.
Ngoài ra, lắng nghe là kỹ năng giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp và khiến bạn có thể nhận được sự tin tưởng từ mọi người xung quanh. Chính sự tin tưởng này sẽ giúp bạn đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực.
Hãy học cách kiểm soát cơn giận dữ bằng những mách nhỏ trên nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mẹo hay giúp bạn kiểm soát cơn giận dữ
- Bố mẹ làm gì để giữ bình tĩnh khi con không ngoan?
- Nguy cơ ung thư từ rượu bia – Sự thật đáng sợ trên bàn nhậu
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!