Tại sao bạn lại tăng cân?
Khi bắt đầu tiêu thụ nhiều calo hơn bình thường hay giảm bớt thời gian tập thể thao, chắc hẳn bạn sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi cân nặng tăng ‘không phanh’. Tuy nhiên, khi mọi hoạt động của bạn diễn ra bình thường mà cơ thể vẫn không ngừng tăng cân thì đây là lúc khám phá điều gì thực sự đang diễn ra.
Thiếu ngủ
Khi thức quá khuya, bạn sẽ tăng cường ‘ngốn’ đồ ăn đêm, đồng nghĩa với lượng calo ‘đầu vào’ tăng vụt. Một nguyên nhân khác diễn ra bên trong cơ thể khi bị thiếu ngủ là sự thay đổi nồng độ hoóc-môn làm tăng cảm giác đói, thèm ăn ở ‘khổ chủ’.
Căng thẳng
Khi cuộc sống có quá nhiều căng thẳng, cơ thể sẽ tự động chuyển sang chế độ ‘tồn tại’. Hoóc-môn stress Cortisol được tiết ra càng làm tăng cảm giác thèm ăn. Và hiển nhiên, trong thời điểm ấy chúng ta có thể tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Sự kết hợp này thật hoàn hảo cho quá trình tăng cân.
Thuốc chống trầm cảm
Tăng cân là tác dụng phụ không mong muốn của thuốc chống trầm cảm. Khi gặp phải vấn đề với kế hoạch trị liệu, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bạn không nên tự ý thay đổi hay tạm dừng các loại thuốc đang sử dụng. Hãy nhớ rằng, một số người tăng cân sau khi sử dụng thuốc đơn giản là vì họ cảm thấy thoải mái hơn, từ đó ăn nhiều hơn. Hơn nữa, bản thân bệnh trầm cảm cũng là nguyên nhân gây tăng cân.
Steroid
Thuốc chống viêm có chứa hoạt chất steroid như prednisone cũng là ‘thủ phạm’ gây thay đổi cân nặng. Quá trình tích nước cũng như tăng cường cảm giác thèm ăn chính là nguyên nhân. Một số người có thể thấy vài thay đổi nhất thời như tích mỡ ở mặt, bụng, lưng hay cổ trong khi sử dụng steroid. Khi dùng thuốc này quá 1 tuần, bạn không nên dừng lại quá đột ngột bởi việc này gây nên những vấn đề nghiêm trọng.
Các loại dược phẩm gây tăng cân
Một vài loại thuốc là ‘nghi can’ gây tăng cân, bao gồm thuốc chống loạn thần (dùng để điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực), các loại thuốc trị chứng đau nửa đầu, động kinh, cao huyết áp và tiểu đường. Nên tìm kiếm tư vấn từ bác sĩ để có thuốc trị bệnh đồng thời giảm thiểu tác dụng phụ.
Không đổ lỗi cho thuốc tránh thai
Trái với suy nghĩ của nhiều người, đến nay vẫn chưa chúng minh được thuốc tránh thai kết hợp (chứa estrogen và progestin) gây tăng cân hay không. Một số phụ nữ sau khi sử dụng loại thuốc này bị tăng cấn, những đây chỉ là hiện tượng tích nước tức thời. Nếu vẫn lo lắng về vấn đề này, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn.
Bệnh suy tuyến giáp
Nếu tuyến giáp (tuyến hình cánh bướm trước cổ) không tiết đủ lượng hoóc-môn, bạn sẽ có cảm giác mệt mỏi, suy nhược, thấy lạnh và tăng cân. Sự thiếu hụt hoóc-môn tuyến giáp làm chậm quá trình trao đổi chất gây tăng cân. Kể cả khi hoóc-môn tuyến giáp hoạt động kém hơn mức thông thường thì bạn cũng không tránh được kết quả trên. Chỉ bằng cách trị tận gốc căn bệnh mới mong đưa cơ thể trở về trạng thái bình thường.
Không đổ lỗi cho thời kì mãn kinh
Hầu hết phụ nữ bị tăng cân trong thời kì mãn kinh, nhưng hoóc-môn chưa hẳn là thủ phạm duy nhất. Lão hóa làm chậm quá trình trao đổi chất, vì vậy cơ thể đốt cháy calo ít hơn và có thể, sự thay đổi lối sống (như tập thể dục ít hơn) cũng góp phần gây nên tình trạng không mong muốn này.
Hội chứng Cushing
Tăng cân là triệu chứng thường gặp khi bị hội chứng Cushing, bệnh lí xảy ra khi cơ thể tiết quá nhiều hoóc-môn gây stress Cortisol. Bạn có thể mắc hội chứng này nếu sử dụng corticoid cho bệnh hen suyễn, viêm khớp, hoặc bệnh lupus. Điều này vẫn có thể xảy ra nếu tuyến thượng thận tiết quá nhiều cortisol, hoặc nó liên quan đến một khối u. Sự tăng cân có thể thấy rõ trên mặt, cổ, lưng hay thắt lưng.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Buồng trứng đa nang là bệnh lí phổ biến ở phụ nữ tuổi sinh sản. Hầu hết phụ nữ mắc bệnh này có những nang trứng nhỏ trong tử cung. Căn bệnh làm mất cân bằng lượng hoóc-môn gây ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt, gây mọc nhiều lông và xuất hiện mụn trứng cá. Phụ nữ bị bệnh có khả năng kháng insulin (nội tiết tố điều tiết lượng đường trong máu), và đây chính là nguyên nhân gây tăng cân. Trong lượng cơ thể dồn xung quanh bụng khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá là một trong những điều tuyệt vời nhất bạn thực hiện để bảo vệ sức khỏe. Khi ngừng hút thuốc, tình trạng tăng cân có thể xảy ra nhưng không đáng lo ngại. Trung bình, những đối tượng này chỉ tăng ít hơn 4,5 kg. Bạn sẽ thấy ít có cảm giác đói hơn sau một vài tuần và sẽ dễ dàng kiểm soát cân nặng sau khoảng thời gian này.
Nếu bạn thật sự tăng cân
Điều luật đầu tiên
Không tạm dừng bất cứ loại thuốc nào trước khi tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bạn nên tự nhận thức mức độ quan trọng của loại thuốc đang sử dụng đối với sức khỏe bản thân.
Điều luật thứ 2
Không so sánh với những người khác dùng chung một loại thuốc. Không phải ai cũng bị tác dụng phụ giống nhau. Kể cả thuốc đấy làm người khác tăng cân thì không có nghĩa là bạn cũng gặp tình huống tương tự.
Điều luật thứ 3
Hãy nhớ, dù có tăng cân đôi chút thì rất có thể đây chỉ là sự tích nước tạm thời chứ không phải béo phì. Khi bạn ngừng sử dụng thuốc, cũng như căn bệnh đã được kiểm soát thì triệu chứng tích nước sẽ biến mất mãi mãi.
Điều luật thứ 4
Tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thuốc bạn đang sử dụng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc khác mà không bị tác dụng phụ tăng cân.
Điều luật thứ 5
Tìm hiểu xem tình trạng tăng cân là do suy giảm trao đổi chất do bệnh lí hay do thuốc. Từ đó, hãy tích cực tham gia các hoạt động tăng cường trao đổi chất như chạy bộ, tập thể dục…
Ngọc Luyện (Theo webmd)
Ảnh trong bài: Nguồn Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!