Nguyên nhân gây rối loạn khứu giác

Kỹ năng sống - 05/17/2024

Nếu bị rối loạn khứu giác do 1 vài loại thuốc thì sau khi điều chỉnh, thay thuốc có thể khắc phục được tình trạng này.

Chào bác sĩ. Mẹ cháu năm nay 44 tuổi, cháu thấy sau trận cảm cúm thì khứu giác của mẹ kém hẳn, có lúc không ngửi thấy mùi nhưng có lúc lại thoang thoảng. Bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu nguyên nhân tại sao và cách chữa trị hiện tượng này được không? Bệnh có nghiêm trọng không? Cháu xin cảm ơn bác sĩ!. Mong bác sĩ giải đáp nhanh giúp cháu vì cháu rất lo cho sức khỏe của mẹ.

Trả lời:

Chào cháu,

Khứu giác là 1 trong 5 giác quan của con người. Giác quan này có tác dụng cảm nhận mùi. Đây là một trong những bộ phận quan trọng của con người. Để ăn ngon, ngoài cảm nhận của vị giác, khứu giác còn có vai trò quan trọng kích thích tiêu hóa, giúp món ăn được ngon hơn.

Khi cảm nhận của mũi đột nhiên kém đi sẽ xuất hiện những xáo trộn về khứu giác, dẫn đến chứng suy khứu giác (mất chức năng ngửi mùi và giảm sút chức năng hoạt động của khứu giác).

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn khứu giác:

Nguyên nhân gây rối loạn khứu giác

Ảnh minh họa

- Sau một vài sự cố: cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi, do tai nạn chấn thương vùng đầu, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật...

- Uống một vài loại thuốc: kháng sinh, hạ huyết áp, xạ trị liệu chữa u tại vùng đầu và cổ hoặc hít nhiều khói thuốc lá, lạm dụng thuốc xịt mũi chữa viêm mũi, viêm xoang cũng làm thay đổi khả năng khứu giác.

Đối với trường hợp rối loạn khứu giác tạm thời như: bệnh cúm, viêm xoang, viêm mũi... sau khi được điều trị dứt điểm thì khả năng phục hồi khứu giác sẽ trở lại bình thường. Còn đối với trường hợp rối loạn khứu giác do thuốc thì sau khi điều chỉnh, thay thuốc có thể khắc phục được tình trạng này.

Bệnh của mẹ cháu không quá nghiêm trọng, nên cháu đừng lo lắng quá, sau một thời gian khứu giác sẽ dần ổn định. Nếu chưa yên tâm, cháu có thể đưa mẹ cháu đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám, được tư vấn và điều trị giúp khứu giác bình phục sớm hơn.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!