Nguyên nhân sinh non mọi bà bầu cần lưu ý

Mang thai - 11/24/2024

Bà bầu nên đi khám thai theo đúng lịch hẹn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời.

Bác sĩ sản khoa Trần Thị Kim Xuyến giải thích, sinh non là trường hợp người mẹ sinh con trong thời gian từ 22 tuần thai đến 36 tuần. Đây là hiện tượng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bà mẹ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đứa trẻ về sau. Những em bé sinh non dễ bị suy hô hấp, chậm phát triển thần kinh, mắc bệnh phổi mãn tính, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân sinh non mọi bà bầu cần lưu ý

Bác sĩ Xuyến khuyên bà bầu nên đi khám thai theo đúng lịch hẹn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời. Ảnh: T.T.

Theo bác sĩ Xuyến, có ba nguyên nhân phổ biến khiến thai phụ sinh non:

Thứ nhất, do bệnh lý của mẹ. Thai phụ bị huyết áp cao, sử dụng chất kích thích, tử cung dị dạng, hở eo tử cung, từng nạo phá thai, từng sinh non. Những phụ nữ làm việc quá sức, bị stress quá nặng hay có thai ở độ tuổi từ 35 trở lên sẽ tăng nguy cơ sinh non.

Thứ hai, thai kỳ bị các tình trạng bất thường như vỡ ối non, đa ối, đa thai, thai dị dạng…

Thứ ba, do nhau thai. Các tình trạng nhau tiền đạo hay nhau bong non, thiểu năng nhau thai khiến cơ thể người mẹ không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi. Từ đó gây ra hiện tượng sinh non.

Để nhận biết sớm tình trạng sinh non, bác sĩ Xuyến khuyên thai phụ nên để ý đến những dấu hiệu bất thường như thai chưa đến 37 tuần mà bị các cơn co thắt tử cung kéo dài từ một tiếng đồng hồ trở lên. Các cơn co thắt diễn ra đều đặn, mỗi 5-10 phút một lần, kéo dài 30 giây. Khi đó âm đạo có thể xuất huyết, vỡ ối sớm, đau lưng, chuột rút… 'Thăm khám âm đạo thấy cổ tử cung mở hơn hai cm và xóa hơn 3/4, thai phụ nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là khi màng ối đã rách thì nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng rất cao, cả mẹ lẫn con dễ bị tổn thương', bác sĩ nói.

Thông thường thai phụ có nguy cơ sinh non cần nằm nghiêng bên trái nhằm tăng lưu lượng máu đến tử cung và yêu cầu nghỉ ngơi tuyệt đối để tránh nguy cơ giãn tử cung. Bác sĩ sẽ tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân khoảng 500 đến 1.000 mg dung dịch muối cân bằng để cải thiện lượng máu, làm giảm hoạt động của tử cung, kiểm tra toàn diện sức khỏe, xem trực tràng âm đạo, cổ tử cung có co bóp tốt không…

Trong trường hợp màng ối đã vỡ, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ thường phải dùng đến thuốc giục sinh. Phẫu thuật cũng có thể được cân nhắc chỉ định.

Ngược lại, nếu nhận thấy còn duy trì được, thai phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc trì hoãn chuyển dạ giúp phổi thai nhi có thêm thời gian tích tụ đủ steroid để trưởng thành. Thai phụ cần nghỉ ngơi nhiều để tăng hiệu quả cải thiện lượng máu vào tử cung giúp thai nhi nhận đủ oxy và các dưỡng chất từ mẹ. Trong thời gian này, người mẹ cần ở lại bệnh viện để theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng do vỡ ối sớm cũng như sức khỏe thai nhi, đồng thời đảm bảo cho trẻ sinh non được chăm sóc kịp thời ngay khi lọt lòng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!