Nhắc đi nhắc lại một câu chuyện, triệu chứng sớm của bệnh gì?

Các bệnh - 11/24/2024

Nhiều người dễ quên sự việc mới xảy ra; hay bị lẫn mất đồ đạc trong nhà, quên đồ vật thông dụng; dễ bị lạc ở nơi mới đến...

ThS Lê Thị Phương Thảo, phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho biết sa sút trí tuệ là bệnh thường gặp trong cuộc sống. Điều đáng nói, nhiều khi chúng ta không biết được, không nhận ra việc suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, sẽ bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị.

Sa sút trí tuệ khởi đầu bằng những biểu hiện của suy giảm trí nhớ. Nhiều người dễ quên sự việc mới xảy ra; hay bị lẫn mất đồ đạc trong nhà, quên đồ vật thông dụng; dễ bị lạc ở nơi mới đến; không nhận ra người quen cũ.

'Vì thế, họ càng tăng nhu cầu kiểm tra mọi thứ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần một câu chuyện, làm đi làm lại một việc nhiều lần' - ThS Thảo chia sẻ tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ Sa sút trí tuệ vừa diễn ra tại Viện Sức khoẻ tâm thần.

Đây là giai đoạn nhẹ, nhưng là giai đoạn quan trọng nhất trong can thiệp để hạn chế, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Khi đã bước sang giai đoạn sa sút trí tuệ, biểu hiện bệnh rõ ràng, nặng nề hơn. Người bệnh có sự thay đổi nhận thức, biểu hiện bằng chứng hay quên, giảm giao tiếp bằng lời và chữ viết, rối loạn định hướng (không nhớ đường về, không định hướng nổi phương hướng), không biết sự kiện phổ biến đơn giản như những ngày lễ lớn, sự kiện lớn...

Nhắc đi nhắc lại một câu chuyện, triệu chứng sớm của bệnh gì?

Kiểm tra, đánh giá các triệu chứng, dấu hiệu của sa sút trí tuệ tại Viện Sức khỏe tâm thần. Ảnh: T.Nguyên

Thậm chí, người sa sút trí tuệ có biểu hiện rối loạn tâm thần (hoang tưởng, ảo giác, lo âu, trầm cảm, lãnh đạm, nghi ngờ, sợ hãi). Nhiều người còn bị thay đổi nhân cách như thu mình, ghen tuông, hoài nghi, cóp nhặt, đổi tính thành trẻ con…). Hành vi của người sa sút trí tuệ cũng khác, họ dễ kích động, đi lang thang, đứng ngồi không yên.

Tuy nhiên, không phải ai có triệu chứng hay quên hoặc những biểu hiện trên đây cũng nhanh chóng chẩn đoán là sa sút trí tuệ hay suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức. Theo BS Thảo, những biểu hiện này phải có tác động, ảnh hưởng hoạt động hàng ngày trên 6 tháng.

Sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi, nhưng những dấu hiệu sớm có thể xuất hiện từ độ tuổi 50. Sa sút trí tuệ hiện cũng đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh nhân trẻ nhất điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần mới 49 tuổi.

Nguyên nhân sa sút trí tuệ do tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, tri giác, giảm khả năng suy luận, phán đoán... Đó là lý do vì sao nhiều bệnh nhân bị rối loạn định hướng về không gian, thời gian, nhầm ngày là đêm và ngược lại.

Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp bị sa sút trí tuệ đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, khi bệnh nhân không chỉ đơn thuần bị suy giảm trí nhớ mà đã có những rối loạn tâm thần, người nhà không chăm sóc được.

10 dấu hiệu nhận biết suy giảm trí nhớ sớm

1. Giảm trí nhớ

2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề

3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc

4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian

5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian

6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc

7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ

8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định

9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội

10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!