- Lại thêm một cô gái Hà Nội 'nổi tiếng' vì trốn cách ly lên máy bay đi sang Anh. Thật khó có thể thông cảm cho một người trẻ có học, lại hành xử thiếu hiểu biết đến như vậy.
- Thêm chuyện khó hiểu với địa phương khi cô này ra khỏi nhà phải có va ly lỉnh kỉnh rồi xe riêng hay taxi đến đón mà không biết?
- Đã có mức xử phạt 10 triệu đồng dù là quá nhẹ so với những trường hợp cố tình trốn cách ly và gây nguy hiểm cho người khác như cô gái này. Nhưng cũng nên xử phạt cả chính quyền địa phương quản lý ra sao người cách ly tại nhà.
- Thấy ở Ấn Độ cứ tụ tập đông người hay ra ngoài đứng là cảnh sát cầm roi vụt. Còn nhiều nước tuyên bố 'Ở tù 5 năm hay cách ly 14 ngày' để răn đe những người trốn cách ly.
- Đấy là chế tài nhân đạo! Ở ta, Điều 240 Bộ luật Hình sự về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù.
- Thế thì cũng đã có vài người biết mình có thể dính COVID-19 mà vẫn đi lại, không khai báo như chị nhân viên căn-tin ở BV Bạch Mai quê ở Đại Từ, Thái Nguyên hoặc chị đại gia ở Bình Thuận chẳng hạn.
- Chưa kể chuyện giấu bệnh, đi lại linh tinh, quy định phải mang khẩu trang khi ở nơi đông người, nơi công cộng mà ai không chấp hành cũng cứ phải phạt nặng như thực hiện Nghị định 100 khi lái xe mà uống rượu bia xem. Nếu làm cương quyết thì chắc chắn không ai dám chống lệnh.
- Đúng! Đã gọi 'chống dịch như chống giặc' thì đây là thời chiến. Đã thời chiến phải thật nghiêm, thật quyết liệt, thật kỷ luật thì mới có sức mạnh chống được dịch, thắng được giặc.
- Vâng! Thời chiến là cấp bách, là giặc đến sát nách, không có thời gian để thuyết phục, giải thích, chờ đợi sửa đổi như thời bình. Vô kỷ luật là thất thủ. Cho nên chỉ có xử lý sai phạm triệt để, không du di bất cứ ai, bất cứ trường hợp nào.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!